TỔNG CỤC HẢI QUAN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 463/GSQL-TH V/v vướng mắc C/O |
Hà Nội, ngày 23 tháng 04 năm 2014 |
Kính gửi: Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Ngày 15/4/2014, Cục Xuất nhập khẩu có công văn số 225/XNK-XXHH thông báo kết quả phiên họp lần thứ 9 của Tiểu ban xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định AJCEP và trên cơ sở vướng mắc thực tế phát sinh liên quan đến việc thực hiện quy tắc xuất xứ trong Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, Cục Giám sát quản lý về Hải quan có ý kiến như sau:
1. Đối với nội dung liên quan đến kết quả cuộc họp Tiểu ban quy tắc xuất xứ trong Hiệp định AJCEP: đề nghị quý Cục cung cấp thêm thông tin và giúp làm rõ kết luận liên quan đến nội dung tại Mục 1 và 3 trong bảng tổng hợp gửi kèm công văn dẫn trên, cụ thể:
– Nội dung khai báo về tiêu chí xuất xứ tại ô số 6 đối với C/O mẫu AJ do Nhật Bản cấp và ô số 8 đối với C/O mẫu AJ do Asean cấp có được áp dụng đối với hàng hóa thỏa mãn tiêu chí xuất xứ như hướng dẫn tại Khoản 2, Điều 4, Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quyết định số 44/2008/QĐ-BCT ngày 08/12/2008 của Bộ Công Thương hay không?
– Mục 3 trong bảng tổng hợp thể hiện nội dung liên quan đến khai báo tại ô số 7 trên C/O khi sử dụng mẫu cũ. Hiện tại, Tổng cục Hải quan đã và đang thực hiện việc kiểm C/O mẫu AJ ban hành kèm theo Quyết định số 44/2008/QĐ-BCT ngày 08/12/2008 của Bộ Công Thương và không nhận được thông báo nào về việc áp dụng C/O mẫu AJ mới. Do vậy, đề nghị quý Cục cung cấp thêm thông tin về nội dung này như mẫu mới C/O mẫu AJ, sự khác nhau giữa C/O mẫu AJ mới và cũ, thời điểm hiệu lực thực hiện của C/O mẫu AJ mới, thời điểm hết Hiệu lực của C/O mẫu cũ,….
2. Các vướng mắc khác liên quan đến C/O mẫu JV và AJ theo Hiệp định VJEPA và AJCEP:
– Thời gian gần đây, Tổng cục Hải quan nhận được nhiều công văn của Doanh nghiệp và Hải quan địa phương nêu vướng mắc liên quan đến việc C/O mẫu JV do Nhật Bản phát hành, C/O được cấp sau ngày xuất khẩu và trong khoảng thời gian 03 ngày tính từ ngày giao hàng, nhưng được ghi cụm từ “issued retroactively”. Ngoài ra, phía Nhật Bản (cán bộ Mio Hamada, Phòng chính sách xác nhận xuất xứ thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản) đã có thư trao đổi vấn đề này, đồng thời đề nghị Hải quan Việt Nam xem xét chấp nhận C/O mẫu JV được cấp trong khoảng thời gian 03 ngày tính từ ngày xuất khẩu và có ghi cụm từ “issued retroactively” như đã chấp nhận đối với C/O mẫu AJ. Tuy nhiên, đề nghị của phía Nhật Bản đối với C/O mẫu JV như trên là không phù hợp với quy định của Hiệp định và vượt thẩm quyền của Tổng cục Hải quan. Để tạo thuận lợi thương mại và có căn cứ thống nhất thực hiện, đề nghị quý Cục trao đổi với cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản về việc ghi cụm từ “issued retroactively” như trên trong Hiệp định VJEPA và sớm thông báo việc triển khai thực hiện tới Tổng cục Hải quan.
– Hình thức C/O cấp thay thế cho C/O bị lỗi:
Hiện tại, Hiệp định thương mại tự do Asean – Nhật Bản, được nội luật hóa tại Quyết định số 44/2008/QĐ-BCT ngày 08/12/2008 của Bộ Công Thương, đã quy định cho phép cấp C/O mới thay thế cho C/O bị lỗi nhưng chưa có quy định cụ thể về hình thức C/O cấp thay thế cho C/O ban đầu bị lỗi như C/O cấp thay thế phải thể hiện dòng chữ “Replacing C/O ref….”. Do đó, đề nghị quý Cục trao đổi với các nước tham gia Hiệp định để có hướng dẫn xử lý thống nhất tương tự như trong Hiệp định thương mại hàng hóa ATIGA.
3. Cơ sở pháp lý để thực hiện:
Đối với những vấn đề đã được thống nhất thực hiện tại các cuộc họp về xuất xứ nhưng khác với quy định hiện hành của Hiệp định (ví dụ như nội dung về C/O cấp sau), Cục Giám sát quản lý về Hải quan đề nghị quý Cục đề xuất với Ban thư ký Asean và các nước thành viên tiến hành rà soát, sửa đổi ROO và OCP để có đủ cơ sở pháp lý khi thực hiện.
Trên đây là ý kiến của Cục Giám sát quản lý về Hải quan, xin chuyển để quý Cục biết, tổng hợp và trao đổi với phía bạn.
Xin cám ơn sự phối hợp công tác./.
Nơi nhận: – Như trên; – Lưu: VT, TH (3b) |
KT. CỤC TRƯỞNG Nguyễn Nhất Kha |