FORGOT YOUR DETAILS?

CREATE ACCOUNT

BỘ CÔNG THƯƠNG
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 02/2021/TT-BCT

Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2021

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH QUY TẮC XUẤT XỨ HÀNG HÓA TRONG HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA VIỆT NAM VÀ LIÊN HIỆP VƯƠNG QUỐC ANH VÀ BẮC AI-LEN

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa;

Thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len ký ngày 29 tháng 12 năm 2020 tại Luân-đôn, Vương quốc Anh;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

2. Thương nhân.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Theo quy định tại Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Chương”, “Nhóm” và “Phân nhóm” là các Chương (2 số), Nhóm (4 số) và Phân nhóm (6 số) sử dụng trong Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (sau đây gọi là “Hệ thống Hài hòa” hay “HS”).

2. “Được phân loại” là sự phân loại hàng hóa hoặc nguyên liệu theo Chương, Nhóm hay Phân nhóm cụ thể của Hệ thống Hài hòa.

3. “Lô hàng” là các sản phẩm được gửi cùng nhau từ nhà xuất khẩu đến người nhận hàng hoặc được kê khai trên cùng một chứng từ vận tải thể hiện việc vận chuyển từ nhà xuất khẩu đến người nhận hàng hay trên cùng một hóa đơn trong trường hợp không có chứng từ vận tải.

4. “Trị giá hải quan” là trị giá được xác định theo Hiệp định Trị giá hải quan.

5. “Nhà xuất khẩu” là cá nhân, tổ chức có trụ sở đặt tại Nước thành viên xuất khẩu, xuất khẩu hàng hóa sang Nước thành viên khác, có khả năng chứng minh được xuất xứ của hàng hóa. Nhà xuất khẩu có thể là nhà sản xuất hoặc người thực hiện thủ tục xuất khẩu. Nhà xuất khẩu không nhất thiết là người bán hàng mà phát hành hóa đơn cho lô hàng (hóa đơn bên thứ ba). Người bán hàng được phép đặt trụ sở tại lãnh thổ của nước không phải thành viên UKVFTA.

6. Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len sau đây được gọi là Vương quốc Anh.

7. “Giá xuất xưởng” là:

a) Giá hàng hóa được trả cho nhà sản xuất đã tham gia vào quá trình sản xuất hoặc gia công cuối cùng, với điều kiện giá đó bao gồm trị giá của các nguyên liệu được sử dụng và các chi phí khác phát sinh trong quá trình sản xuất, trừ các loại thuế nội địa sẽ hoặc có thể được hoàn lại khi xuất khẩu sản phẩm cuối cùng.

b) Trường hợp giá xuất xưởng không phản ánh đầy đủ chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất thực tế tại Việt Nam hoặc Vương quốc Anh, giá xuất xưởng là tổng chi phí trừ đi các loại thuế nội địa sẽ hoặc có thể được hoàn lại khi xuất khẩu sản phẩm cuối cùng.

c) Trường hợp công đoạn gia công hoặc sản xuất cuối cùng được thương nhân ký hợp đồng phụ thuê một nhà sản xuất khác gia công, sản xuất, thuật ngữ “nhà sản xuất” tại khoản này được hiểu là thương nhân đi thuê gia công, sản xuất.

8. “Nguyên liệu” bao gồm bất kỳ thành phần, nguyên liệu thô, linh kiện, phụ tùng hoặc các loại khác được sử dụng trong quá trình sản xuất sản phẩm.

9. “Sản phẩm” là thành phẩm được sản xuất, bao gồm cả thành phẩm được sản xuất với mục đích sử dụng cho quá trình sản xuất khác sau này.

10. “Hàng hóa” bao gồm nguyên liệu và sản phẩm.

11. “Sản xuất” là hoạt động để tạo ra sản phẩm, bao gồm gia công, sản xuất, chế tạo, chế biến hoặc lắp ráp.

12. “Nguyên liệu giống nhau và có thể thay thế lẫn nhau” là nguyên liệu cùng loại, có chất lượng thương mại như nhau, có cùng đặc tính vật lý và kỹ thuật và khi được kết hợp lại để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh thì không thể phân biệt nguyên liệu này với nguyên liệu khác.

13. “Hàng hóa không có xuất xứ” hoặc “nguyên liệu không có xuất xứ” là hàng hóa hoặc nguyên liệu không đáp ứng quy tắc xuất xứ quy định tại Thông tư này.

14. “Hàng hóa có xuất xứ” hoặc “nguyên liệu có xuất xứ” là hàng hóa hoặc nguyên liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ quy định tại Thông tư này.

15. “Lãnh thổ” bao gồm lãnh hải.

16. “Trị giá nguyên liệu” là trị giá hải quan tại thời điểm nhập khẩu nguyên liệu không có xuất xứ được sử dụng hoặc là giá mua của nguyên liệu tại Việt Nam hoặc tại Vương quốc Anh trong trường hợp không thể xác định được tại thời điểm nhập khẩu.

17. EU nghĩa là Liên minh châu Âu.

Điều 4. Quy định về chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam

1. Ban hành kèm theo Thông tư này các Phụ lục:

a) Phụ lục I: Chú giải cho Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục II.

b) Phụ lục II: Quy tắc cụ thể mặt hàng.

c) Phụ lục III: Nguyên liệu thủy sản áp dụng cộng gộp.

d) Phụ lục IV: Sản phẩm thủy sản áp dụng cộng gộp.

đ) Phụ lục V: Sản phẩm dệt may áp dụng cộng gộp.

e) Phụ lục VI: Mẫu C/O mẫu EUR.1.

g) Phụ lục VII: Mẫu lời văn khai báo xuất xứ của nhà xuất khẩu.

h) Phụ lục VIII: Danh mục cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu EUR.1 trong UKVFTA.

2. Danh mục cơ quan, tổ chức cấp C/O trong UKVFTA của Việt Nam được cập nhật tại Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn. Cơ quan, tổ chức cấp C/O theo UKVFTA của Việt Nam đăng ký mẫu con dấu và cập nhật các mẫu con dấu này theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.

3. Quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa và quy định tại Thông tư này.

Chương II

CÁCH XÁC ĐỊNH XUẤT XỨ HÀNG HÓA

Điều 5. Hàng hóa có xuất xứ

Hàng hóa được coi là có xuất xứ khi:

1. Hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một Nước thành viên theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

2. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy được tạo ra tại một Nước thành viên từ nguyên liệu không có xuất xứ với điều kiện nguyên liệu đó phải trải qua các công đoạn gia công hoặc chế biến đầy đủ theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Điều 6. Hàng hóa có xuất xứ thuần túy

1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này, hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy tại một Nước thành viên trong các trường hợp sau:

a) Khoáng sản khai thác từ lòng đất hoặc đáy biển của Nước thành viên.

b) Cây trồng và sản phẩm cây trồng được trồng và thu hoạch hoặc thu lượm tại Nước thành viên.

c) Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Nước thành viên.

d) Sản phẩm của động vật sống được nuôi dưỡng tại Nước thành viên.

đ) Sản phẩm thu được từ giết mổ động vật được sinh ra và nuôi dưỡng tại Nước thành viên.

e) Sản phẩm thu được từ săn bắn hoặc đánh bắt tại Nước thành viên.

g) Sản phẩm thu được từ nuôi trồng thủy sản trong đó cá, động vật giáp xác và động vật thân mềm được sinh ra hoặc nuôi dưỡng từ trứng, cá bột, cá nhỏ và ấu trùng.

h) Sản phẩm đánh bắt và các sản phẩm khác thu được ngoài vùng lãnh hải bằng tàu của Nước thành viên.

i) Sản phẩm được sản xuất ngay trên tàu chế biến của Nước thành viên từ các sản phẩm được quy định tại điểm h khoản này.

k) Sản phẩm đã qua sử dụng thu được từ Nước thành viên chỉ phù hợp để tái chế thành nguyên liệu thô.

l) Phế thải và phế liệu thu được từ quá trình sản xuất tại Nước thành viên.

m) Sản phẩm được khai thác từ đáy biển hoặc dưới đáy biển ngoài vùng lãnh hải nhưng thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nước thành viên.

n) Hàng hóa được sản xuất hoàn toàn tại Nước thành viên từ các sản phẩm quy định từ điểm a đến điểm m khoản này.

2. Khái niệm “cây trồng và sản phẩm cây trồng” quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bao gồm cây trồng, hoa, quả, rau củ, rong biển và nấm.

3. Khái niệm “tàu của Nước thành viên” và “tàu chế biến của Nước thành viên” nêu tại điểm h và điểm i khoản 1 Điều này chỉ áp dụng đối với tàu và tàu chế biến đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Được đăng ký, treo cờ Việt Nam hoặc Vương quốc Anh hoặc quốc gia thành viên của EU và có ít nhất 50% thuộc sở hữu của cá nhân tại Nước thành viên hoặc quốc gia thành viên của EU.

b) Được đăng ký, treo cờ Việt Nam hoặc Vương quốc Anh hoặc quốc gia thành viên của EU và thuộc sở hữu của pháp nhân là tổ chức nhà nước, tư nhân của một trong các Nước thành viên có ít nhất 50% thuộc sở hữu của Việt Nam hoặc Vương quốc Anh hoặc quốc gia thành viên của EU.

Điều 7. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy

1. Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy được coi là đã trải qua công đoạn gia công hoặc chế biến đầy đủ khi đáp ứng Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Đối với nguyên liệu được sử dụng để sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa:

a) Quy tắc cụ thể mặt hàng nêu tại khoản 1 Điều này chỉ áp dụng cho nguyên liệu không có xuất xứ.

b) Trong trường hợp sản phẩm có xuất xứ theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, sau đó được sử dụng làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất sản phẩm khác, tiêu chí xuất xứ của sản phẩm khác đó không áp dụng đối với sản phẩm dùng làm nguyên liệu và không áp dụng đối với nguyên liệu không có xuất xứ tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm dùng làm nguyên liệu.

Điều 8. Hạn mức linh hoạt đối với nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí xuất xứ

1. Trường hợp không đáp ứng khoản 1 Điều 7 Thông tư này và theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, nguyên liệu không có xuất xứ vẫn được phép sử dụng nếu tổng trị giá hoặc trọng lượng tịnh của nguyên liệu không vượt quá:

a) 10% giá xuất xưởng hoặc trọng lượng sản phẩm, áp dụng đối với sản phẩm thuộc Chương 2 và thuộc từ Chương 4 đến Chương 24 của Hệ thống Hài hòa, trừ thủy sản chế biến thuộc Chương 16 của Hệ thống Hài hòa.

b) 10% giá xuất xưởng của sản phẩm, áp dụng đối với sản phẩm khác, trừ sản phẩm thuộc Chương 50 đến Chương 63 của Hệ thống Hài hòa.

c) Hạn mức linh hoạt đối với sản phẩm thuộc Chương 50 đến Chương 63 của Hệ thống Hài hòa áp dụng theo quy định tại Chú giải 6 và Chú giải 7 của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Việc áp dụng khoản 1 Điều này không cho phép hạn mức về trị giá hoặc trọng lượng của nguyên liệu không có xuất xứ vượt quá tỷ lệ phần trăm tối đa quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Khoản 1 và khoản 2 Điều này không áp dụng đối với hàng hóa có xuất xứ thuần túy theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

4. Không ảnh hưởng đến việc áp dụng Điều 10 và khoản 2 Điều 11 Thông tư này, hạn mức linh hoạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này áp dụng đối với nguyên liệu sử dụng để sản xuất ra sản phẩm mà theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, những nguyên liệu đó phải có xuất xứ thuần túy.

Điều 9. Cộng gộp

1. Hàng hóa được coi là có xuất xứ tại Nước thành viên xuất khẩu khi được sản xuất từ nguyên liệu có xuất xứ tại Nước thành viên khác hoặc tại EU với điều kiện công đoạn gia công, chế biến được thực hiện tại Nước thành viên xuất khẩu vượt quá công đoạn gia công, chế biến đơn giản quy định tại Điều 10 Thông tư này.

2. Theo quy định tại khoản 1 Điều này, xuất xứ nguyên liệu được xác định theo quy tắc xuất xứ của Hiệp định này.

3. Không xét đến quy định tại Điều 5 Thông tư này, công đoạn gia công, chế biến được thực hiện tại EU được coi như được thực hiện tại Vương quốc Anh khi hàng hóa thu được ở EU trải qua các công đoạn gia công, chế biến tiếp theo tại Vương quốc Anh, với điều kiện công đoạn gia công, chế biến được thực hiện tại Vương quốc Anh vượt quá công đoạn gia công, chế biến đơn giản quy định tại Điều 10 Thông tư này.

4. Theo quy định tại khoản 1 Điều này, xuất xứ nguyên liệu xuất khẩu từ EU sang một Nước thành viên để sử dụng trong quá trình gia công hoặc sản xuất tiếp theo cần được chứng minh bằng chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa như đối với nguyên liệu xuất khẩu trực tiếp sang Nước thành viên đó.

5. Nguyên tắc cộng gộp xuất xứ liên quan đến EU theo quy định tại Điều này chỉ được áp dụng khi EU có nguyên liệu tham gia cộng gộp xuất xứ và Nước thành viên sử dụng cộng gộp xuất xứ có thỏa thuận về hợp tác hành chính để đảm bảo thực hiện Điều này.

6. Nguyên liệu liệt kê tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này có xuất xứ từ một nước ASEAN đã ký hiệp định thương mại với Vương quốc Anh phù hợp với quy định tại Điều XXIV của GATT 1994, được coi như nguyên liệu có xuất xứ từ Việt Nam khi tham gia vào quá trình gia công hoặc sản xuất sản phẩm liệt kê tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

7. Theo quy định tại khoản 6 Điều này, xuất xứ nguyên liệu được xác định phù hợp với quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ các hiệp định thương mại của Vương quốc Anh với các nước ASEAN đó.

8. Theo quy định tại khoản 6 Điều này, xuất xứ nguyên liệu xuất khẩu từ một nước ASEAN sang Việt Nam để sử dụng trong quá trình gia công hoặc sản xuất tiếp theo được thể hiện trên chứng từ chứng nhận xuất xứ như đối với các nguyên liệu xuất khẩu trực tiếp sang Vương quốc Anh.

9. Nguyên tắc cộng gộp xuất xứ quy định từ khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này chỉ được áp dụng khi:

a) Các nước ASEAN có nguyên liệu tham gia cộng gộp xuất xứ, cam kết tuân thủ quy định trong UKVFTA và hợp tác hành chính giữa các nước với Vương quốc Anh để đảm bảo việc thực hiện UKVFTA.

b) Việc cam kết thực hiện điểm a khoản này đã được thông báo cho Vương quốc Anh.

c) Mức thuế ưu đãi Vương quốc Anh đang áp dụng cho sản phẩm quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này cao hơn hoặc bằng mức thuế ưu đãi dành cho các nước tham gia cộng gộp xuất xứ.

10. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phát hành để thực hiện khoản 6 Điều này cần ghi rõ: “Application of Article 3(6) of the Protocol 1 to the Viet Nam – UK FTA”.

11. Vải có xuất xứ Đại Hàn Dân Quốc được coi là có xuất xứ Việt Nam khi sử dụng làm nguyên liệu để gia công hoặc sản xuất tại Việt Nam cho các sản phẩm liệt kê tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này với điều kiện vải nguyên liệu đó trải qua công đoạn gia công hoặc chế biến tại Việt Nam vượt quá công đoạn gia công, chế biến đơn giản theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.

12. Theo quy định tại khoản 11 Điều này, xuất xứ của vải nguyên liệu được xác định theo quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len và Đại Hàn Dân Quốc, ký tại Luân-đôn ngày 22 tháng 8 năm 2019, trừ quy tắc quy định tại Phụ lục II (a) Nghị định thư về quy tắc xuất xứ đính kèm Hiệp định đó.

13. Theo quy định tại khoản 11 Điều này, xuất xứ của vải nguyên liệu xuất khẩu từ Đại Hàn Dân Quốc sang Việt Nam để sử dụng trong quá trình sản xuất hoặc gia công tiếp theo được thể hiện trên chứng từ chứng nhận xuất xứ như đối với vải nguyên liệu xuất khẩu trực tiếp sang Vương quốc Anh.

14. Nguyên tắc cộng gộp xuất xứ quy định tại khoản 11, khoản 12 và khoản 13 Điều này được áp dụng với điều kiện Đại Hàn Dân Quốc và Việt Nam cùng thực hiện và thông báo tới Vương quốc Anh việc tuân thủ quy tắc cộng gộp xuất xứ và hợp tác hành chính để đảm bảo việc thực hiện UKVFTA.

15. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phát hành để thực hiện khoản 7 Điều này cần ghi rõ: “Application of Article 3(11) of Protocol 1 to the Viet Nam – UK FTA”.

16. Nguyên tắc cộng gộp đối với nguyên liệu có xuất xứ từ nước không phải thành viên UKVFTA quy định tại Điều này được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Điều 10. Công đoạn gia công, chế biến đơn giản

1. Công đoạn gia công, chế biến sau đây khi thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, được xem là đơn giản và không được xét đến khi xác định xuất xứ dù hàng hóa đáp ứng quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư này:

a) Công đoạn bảo quản để giữ sản phẩm trong tình trạng tốt trong quá trình vận chuyển và lưu kho.

b) Tháo dỡ và lắp ghép kiện hàng.

c) Rửa, làm sạch, loại bỏ bụi bẩn, ôxit, dầu mỡ, sơn hoặc che phủ bên ngoài khác.

d) Là ủi hoặc là hơi vải và sản phẩm dệt may.

đ) Công đoạn sơn và đánh bóng đơn giản.

e) Xay để bỏ trấu và xay xát một phần hoặc hoàn toàn thóc, gạo; đánh bóng và hồ ngũ cốc, gạo.

g) Công đoạn tạo màu hoặc tạo hương cho đường hoặc tạo khuôn cho đường cục; nghiền nhỏ một phần hay hoàn toàn đường tinh thể.

h) Công đoạn bóc vỏ, trích hạt và tách vỏ quả, hạt và rau củ.

i) Mài sắc, mài đơn giản hoặc cắt đơn giản.

k) Công đoạn rây, sàng lọc, sắp xếp, phân loại, xếp loại hoặc kết hợp (bao gồm công đoạn tạo nên bộ sản phẩm).

l) Công đoạn đơn giản bao gồm: cho vào chai, lon, bình, túi, hòm, hộp, gắn trên thẻ hoặc bảng thông tin và công đoạn đóng gói đơn giản khác.

m) Dán hoặc in nhãn, mác, logo và những dấu hiệu tương tự khác trên sản phẩm hoặc trên bao bì của sản phẩm.

n) Công đoạn pha trộn đơn giản các sản phẩm, cùng loại hoặc khác loại, trộn đường với bất kỳ nguyên liệu khác.

o) Công đoạn đơn giản bao gồm: thêm nước, pha loãng, rút nước hoặc làm biến tính sản phẩm.

p) Công đoạn lắp ghép đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên sản phẩm hoàn thiện hoặc tháo rời sản phẩm thành các bộ phận.

q) Kết hợp hai hoặc nhiều công đoạn nêu từ điểm a đến điểm p khoản này.

r) Giết mổ động vật.

2. Các công đoạn nêu tại khoản 1 Điều này được coi là đơn giản khi không dùng kỹ năng đặc biệt hoặc máy móc, thiết bị hay công cụ được sản xuất hoặc lắp đặt chuyên dụng.

3. Tất cả các công đoạn thực hiện tại Việt Nam hoặc Vương quốc Anh cùng được xem xét khi xác định công đoạn gia công, chế biến hàng hóa có là công đoạn gia công, chế biến đơn giản nêu tại khoản 1 Điều này.

Điều 11. Đơn vị xét xuất xứ hàng hóa

1. Đơn vị xét xuất xứ hàng hóa là một sản phẩm cụ thể và được coi là đơn vị cơ bản khi phân loại theo Hệ thống Hài hòa.

2. Trường hợp lô hàng gồm nhiều sản phẩm tương tự được phân loại cùng Phân nhóm theo Hệ thống Hài hòa, đơn vị xét xuất xứ sẽ áp dụng đối với từng sản phẩm riêng biệt.

3. Trong trường hợp bao bì hàng hóa phân loại theo Quy tắc 5 của Hệ thống Hài hòa, bao bì cũng được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa.

Điều 12. Phụ kiện, phụ tùng và dụng cụ

Phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu thông tin khác được gửi kèm theo thiết bị, máy móc, công cụ hoặc phương tiện là một phần của thiết bị thông thường và đã bao gồm trong giá bán của sản phẩm hoặc không xuất hóa đơn riêng được coi như một phần không tách rời của thiết bị, máy móc, công cụ hoặc phương tiện đang được xác định xuất xứ hàng hóa.

Điều 13. Bộ hàng hóa

Theo Quy tắc 3 của Hệ thống Hài hòa, bộ hàng hóa được coi là có xuất xứ khi tất cả các sản phẩm thành phần của bộ hàng hóa có xuất xứ. Trường hợp bộ hàng hóa bao gồm sản phẩm có xuất xứ và sản phẩm không có xuất xứ, bộ hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu trị giá của sản phẩm không có xuất xứ không vượt quá 15% giá xuất xưởng của bộ hàng hóa đó.

Điều 14. Yếu tố trung gian

Yếu tố trung gian là yếu tố được sử dụng trong quá trình sản xuất hàng hóa nhưng không được tính đến khi xác định xuất xứ hàng hóa, bao gồm:

1. Nhiên liệu và năng lượng.

2. Nhà xưởng và thiết bị, bao gồm hàng hóa được sử dụng để bảo dưỡng nhà xưởng và thiết bị.

3. Máy móc, dụng cụ, máy rập và máy đúc; phụ tùng và các nguyên liệu sử dụng để bảo dưỡng thiết bị và nhà xưởng; dầu nhờn, chất bôi trơn, hợp chất và nguyên liệu khác dùng trong quá trình sản xuất hoặc quá trình vận hành thiết bị và nhà xưởng; găng tay, kính, giày dép, quần áo, thiết bị bảo hộ; chất xúc tác và dung môi; thiết bị, dụng cụ và máy móc dùng để thử nghiệm hoặc kiểm tra hàng hóa.

4. Hàng hóa khác không còn lại hoặc không hiển hiện trong cấu thành của sản phẩm cuối cùng.

Điều 15. Phân tách kế toán

1. Trong trường hợp nguyên liệu giống nhau và có thể thay thế lẫn nhau có xuất xứ và không có xuất xứ cùng được sử dụng trong quá trình gia công hoặc chế biến, việc áp dụng phương pháp phân tách kế toán thực hiện theo quy định hiện hành với điềkiện đảm bảo số lượng hàng hóa có xuất xứ theo hồ sơ bằng số lượng hàng hóa có xuất xứ thực tế tại kho hàng.

2. Nguyên tắc kế toán gồm quy trình, thông lệ, quy định cụ thể về việc ghi chép khoản thu, chi, chi phí, tài sản, công nợ, việc công bố thông tin và chuẩn bị báo cáo tài chính.

Điều 16. Nguyên tắc lãnh thổ

1. Các điều kiện quy định tại Chương II Thông tư này phải được thực hiện hoàn toàn và không gián đoạn tại một Nước thành viên.

2. Trong trường hợp hàng hóa có xuất xứ được xuất khẩu từ một Nước thành viên, sau đó tái nhập từ một nước không phải thành viên UKVFTA, hàng hóa tái nhập được coi là không có xuất xứ, trừ khi chứng minh được theo yêu cầu của cơ quan hải quan:

a) Hàng hóa tái nhập chính là hàng hóa đã được xuất khẩu đi.

b) Hàng hóa tái nhập không trải qua công đoạn vượt quá công đoạn cần thiết để bảo quản hàng hóa trong điều kiện tốt trong quá trình lưu kho ở nước không phải thành viên UKVFTA hoặc trong quá trình xuất khẩu.

Điều 17. Hàng hóa không thay đổi xuất xứ

1. Hàng hóa khai báo nhập khẩu vào Nước thành viên được coi là giữ nguyên xuất xứ ban đầu với điều kiện hàng hóa trong quá trình vận chuyển hoặc lưu kho không bị thay đổi hoặc trải qua công đoạn gia công làm thay đổi hàng hóa, ngoại trừ các công đoạn sau đây:

a) Bo qun hànhóa trong điều kiện tốt.

b) Thêm vào hoặc dán nhãn, nhãn hiệu, dấu niêm phong hoặc tài liệu khác nhằm đảm bảo tuân thủ quy định cụ thể của Nước thành viên nhập khẩu.

c) Các công đoạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này được thực hiện dưới sự giám sát của hải quan nước quá cảnh hoặc chia nhỏ hàng hóa trước khi làm thủ tục nhập khẩu vào nội địa.

2. Hàng hóa được phép lưu kho với điều kiện nằm trong sự giám sát của cơ quan hải quan nước quá cảnh.

3. Việc chia nhỏ lô hàng được phép thực hiện bởi nhà xuất khẩu hoặc theo ủy quyền của nhà xuất khẩu với điều kiện hàng hóa nằm trong sự giám sát của hải quan nước chia nhỏ lô hàng.

4. Trong trường hợp nghi ngờ, Nước nhập khẩu yêu cầu người khai hải quan cung cấp bằng chứng của việc tuân thủ, dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm:

a) Chứng từ vận tải như vận tải đơn.

b) Chứng từ thực tế hoặc cụ thể về dán nhãn hoặc đánh số kiện hàng.

c) Chứng từ liên quan đến hàng hóa.

d) Giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền nước quá cảnh hoặc nước chia nhỏ lô hàng cung cấp hoặc bất kỳ chứng từ chứng minh hàng hóa nằm trong sự kiểm soát của hải quan nước quá cảnh hoặc nước chia nhỏ lô hàng.

5. Thuật ngữ “trong trường hợp nghi ngờ” quy định tại khoản 4 Điều này được hiểu là Nước thành viên nhập khẩu được quyền xác định trường hợp cần thiết phải yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp chứng từ chứng minh theo quy định tại khoản 4 Điều này nhưng không thể thường xuyên yêu cầu việc nộp các chứng từ chứng minh đó.

Điều 18. Hàng triển lãm, hội chợ

1. Trong trường hợp hàng hóa có xuất xứ gửi đi triển lãm tại nước không phải thành viên UKVFTA và được bán sau khi triển lãm, sau đó nhập khẩu vào Nước thành viên, hàng hóa được hưởng ưu đãi tại thời điểm nhập khẩu theo quy định của UKVFTA với điều kiện chứng minh được với cơ quan hải quan nước nhập khẩu:

a) Nhà xuất khẩu gửi hàng hóa đó từ lãnh thổ Nước thành viên xuất khẩu tới nước tổ chức triển lãm và đã tham gia triển lãm hàng hóa tại đó.

b) Nhà xuất khẩu bán hoặc chuyển nhượng hàng hóa đó cho người nhận hàng tại Nước thành viên nhập khẩu.

c) Hàng hóa được vận chuyển đến Nước thành viên nhập khẩu trong quá trình triển lãm hoặc ngay sau khi kết thúc triển lãm và vẫn giữ nguyên trạng như khi được gửi đi triển lãm.

d) Hàng hóa không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài mục đích triển lãm từ khi được vận chuyển đến triển lãm.

2. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải được phát hành theo quy định tại Chương III Thông tư này và nộp cho cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu theo quy định. Tên và địa chỉ của nơi tổ chức triển lãm phải được ghi trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu được phép yêu cầu xuất trình các chứng từ bổ sung chứng minh tình trạng của hàng hóa khi được trưng bày.

3. Khoản 1 Điều này áp dụng đối với triển lãm thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, hội chợ, giới thiệu tại địa điểm công cộng hoặc cuộc trưng bày tương tự và không tổ chức tại cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh để bán hàng hóa nước ngoài vì mục đích cá nhân, với điều kiện hàng hóa nằm trong sự giám sát của cơ quan hải quan trong quá trình triển lãm.

Chương III

CHỨNG NHẬN VÀ KIỂM TRA XUẤT XỨ HÀNG HÓA

Điều 19. Quy định chung về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa

1. Hàng hóa có xuất xứ Vương quốc Anh nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA khi nộp một trong những chứng từ chứng nhận xuất xứ sau:

a) C/O được phát hành theo quy định từ Điều 20 đến Điều 23 Thông tư này.

b) Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Điều 24 Thông tư này do nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của Vương quốc Anh phát hành đối với lô hàng có trị giá bất kỳ; hoặc nhà xuất khẩu bất kỳ phát hành đối với lô hàng không quá 6.000 EUR (sáu ngàn ơ-rô).

c) Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phát hành bởi nhà xuất khẩu đăng ký tại cơ sở dữ liệu điện tử theo quy định của Vương quốc Anh sau khi Vương Quốc Anh thông báo với Việt Nam về cơ chế chứng nhận đối với hàng hóa có xuất xứ từ Vương Quốc Anh. Thông báo này có thể bao gồm cả nội dung về việc Vương quốc Anh ngừng áp dụng điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.

2. Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam nhập khẩu vào Vương quốc Anh được hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA khi có một trong những chứng từ chứng nhận xuất xứ sau:

a) C/O được phát hành theo quy định tại Điều 4 và từ Điều 20 đến Điều 23 Thông tư này.

b) Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Điều 25 Thông tư này phát hành bởi nhà xuất khẩu có lô hàng trị giá không quá 6.000 EUR (sáu ngàn ơ-rô).

c) Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phát hành bởi nhà xuất khẩu theo quy định của Bộ Công Thương.

d) Việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa quy định tại điểm c khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương và áp dụng sau khi Việt Nam thông báo với Vương quốc Anh.

3. Trong trường hợp áp dụng Điều 29 Thông tư này, hàng hóa có xuất xứ sẽ được hưởng ưu đãi theo UKVFTA mà không cần nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa quy định tại Điều này.

Điều 20. Quy định về khai báo C/O mẫu EUR.1

1. Mẫu C/O mu EUR.1 được quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

2. C/O không được tẩy xóa hoặc viết chữ đè lên chữ khác. Việc sửa đổi được thực hiện bằng cách xóa thông tin sai và bổ sung thông tin đúng. Việc sửa đổi đi kèm chữ ký tắt của người hoàn thiện C/O và được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền.

3. C/O không để khoảng trống giữa các mục và phải đánh số thứ tự mỗi mục. Ngay dưới mục cuối cùng phải gạch ngang. Khoảng trống không sử dụng phải được gạch chéo để tránh việc bổ sung thông tin sau này.

4. Hàng hóa được mô tả theo thông lệ thương mại và có đủ thông tin chi tiết để xác định được hàng hóa.

Điều 21. Quy định về việc cấp C/O mẫu EUR.1 trong UKVFTA

1. Cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu kiểm tra nội dung khai báo mô tả hàng hóa nhằm tránh khả năng bổ sung thông tin gian lận.

2. Ngày cấp C/O được thể hiện tại Ô số 11.

3. C/được cấp sớm nhất có thể kể từ ngày xuất khẩu hàng hóa (ngày giao hàng lên phương tiện vận tải) và không quá ba ngày làm việc kể từ sau ngày xuất khẩu.

Điều 22. C/O cấp sau

1. Ngoài quy định tại khoản 3 Điều 21 Thông tư này, C/O được phép cấp sau ngày xuất khẩu hàng hóa trong trường hợp sau:

a) C/O không được cấp vào thời điểm xuất khẩu do lỗi hoặc thiếu sót khách quan và lý do hợp lệ khác.

b) Nhà xuất khẩu chứng minh với cơ quan có thẩm quyền về việc C/O đã được cấp nhưng bị từ chối tại thời điểm nhập khẩu do lỗi kỹ thuật.

c) Cảng đến cuối cùng của hàng hóa chưa xác định được tại thời điểm xuất khẩu và chỉ xác định được trong quá trình hàng hóa đang vận chuyển, lưu kho hoặc sau khi chia nhỏ lô hàng theo quy định tại Điều 17 Thông tư này.

2. Để được cấp C/O sau ngày xuất khẩu hàng hóa theo quy định tại khoản 1 Điều này, nhà xuất khẩu ghi ngày, nơi xuất khẩu hàng hóa và nêu rõ lý do trên đơn đề nghị cấp C/O.

3. Sau khi xác minh thông tin trong bộ hồ sơ đề nghị cấp C/O và tài liệu chứng minh khác (nếu có), cơ quan, tổ chức cấp C/O thực hiện việc cấp C/O.

4. C/O cp sau thể hiện tại Ô số 7 nội dung bằng tiếng Anh: “ISSUED RETROSPECTIVELY”.

Điều 23. C/O cấp lại

1. Trong trường hợp C/O bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng, nhà xuất khẩu nộp đơn đề nghị cấp lại C/O dựa trên hồ sơ lưu tại cơ quan, tổ chức cấp C/O.

2. C/O cấp lại thể hiện tại Ô số 7 nội dung bằng tiếng Anh: “DUPLICATE”.

3. C/O cấp lại thể hiện ngày cấp của C/O bản gốc và có hiệu lực tính từ ngày cấp C/O bản gốc.

Điều 24. Quy định về tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa từ Vương quốc Anh

1. Nhà xuất khẩu được phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi hàng hóa có xuất xứ từ Vương quốc Anh và đáp ứng quy định khác của UKVFTA.

2. Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác có đủ thông tin về hàng hóa, bằng cách đánh máy, đóng dấu hoặc in nội dung lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa trên chứng từ. Nhà xuất khẩu sử dụng Mẫu lời văn khai báo xuất xứ bằng một trong các phiên bản ngôn ngữ được quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này và phù hợp với quy định pháp luật của Vương quốc Anh. Trường hợp nhà xuất khẩu khai báo bằng cách viết tay, lời văn khai báo được viết bằng mực và chữ cái in hoa.

3. Thuật ngữ “chứng từ thương mại khác” nêu tại khoản 2 Điều này có thể là phiếu gửi hàng, hóa đơn chiếu lệ hoặc phiếu đóng gói. Chứng từ vận tải như vận tải đơn hoặc vận đơn hàng không không được coi là chứng từ thương mại khác.

4. Nội dung tự chứng nhận xuất xứ không được thực hiện trên một mẫu riêng biệt. Nội dung tự chứng nhận xuất xứ được phép thực hiện trên một trang khác của chứng từ thương mại với điều kiện nhận biết được trang đó là một phần của chứng từ thương mại.

5. Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phải có chữ ký viết tay của nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định Vương quốc Anh được phép không ký tên với điều kiện nhà xuất khẩu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu văn bản cam kết rằng nhà xuất khẩu chịu trách nhiệm toàn bộ về chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

6. Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ có thể phát hành sau khi xuất khẩu hàng hóa với điều kiện được xuất trình tại Nước thành viên nhập khẩu không muộn hơn 2 năm hoặc theo quy định của Nước thành viên nhập khẩu kể từ khi hàng hóa được đưa vào lãnh thổ Nước thành viên nhập khẩu.

Điều 25. Quy định về tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa từ Việt Nam

1. Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Thông tư này khi hàng hóa có xuất xứ Việt Nam và đáp ứng quy định khác của UKVFTA.

2. Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác có đủ thông tin về hàng hóa, bằng cách đánh máy, đóng dấu hoặc in nội dung lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa trên chứng từ. Nhà xuất khẩu sử dụng Mẫu lời văn khai báo xuất xứ bằng một trong các phiên bản ngôn ngữ được quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này và phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam. Trường hợp nhà xuất khẩu khai báo bằng cách viết tay, lời văn khai báo được viết bằng mực và chữ cái in hoa.

3. Thuật ngữ “chứng từ thương mại khác” nêu tại khoản 2 Điều này có thể là phiếu gửi hàng, hóa đơn chiếu lệ hoặc phiếu đóng gói. Chứng từ vận tải như vận tải đơn hoặc vận đơn hàng không không được coi là chứng từ thương mại khác.

4. Nội dung tự chứng nhận xuất xứ không được thực hiện trên một mẫu riêng biệt. Nội dung tự chứng nhận xuất xứ được phép thực hiện trên một trang khác của chứng từ thương mại với điều kiện nhận biết được trang đó là một phần của chứng từ thương mại.

5. Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ nêu tại khoản 1 Điều này nộp chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa cũng như việc tuân thủ quy định khác của Thông tư này theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

6. Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ có thể phát hành sau khi xuất khẩu hàng hóa với điều kiện được xuất trình tại Nước thành viên nhập khẩu không muộn hơn 2 năm hoặc theo quy định của Nước thành viên nhập khẩu kể từ khi hàng hóa được đưa vào lãnh thổ Nước thành viên nhập khẩu.

7. Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ, nhà xuất khẩu nêu tại khoản 1 Điều này khai báo, đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu theo quy định từ điểm c đến điểm h khoản 1 Điều 15 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn của Bộ Công Thương.

Điều 26. Thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa

1. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày phát hành tại Nước thành viên xuất khẩu và phải nộp cho cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực.

2. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp cho cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu sau thời hạn hiệu lực quy định tại khoản 1 Điều này vẫn có thể được chấp nhận để hưởng ưu đãi thuế quan UKVFTA trong trường hợp nhà nhập khẩu không thể nộp các chứng từ đó trong thời hạn hiệu lực vì lý do bất khả kháng hoặc các lý do hợp lệ khác nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nhập khẩu.

3. Trong trường hợp xuất trình muộn khác, cơ quan hải quan của Nước thành viên nhập khẩu có thể chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa của hàng hóa đã được nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực được quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 27. Nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Để hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải được nộp cho cơ quan hải quan Việt Nam trong thời gian 02 năm kể từ thời điểm nhập khẩu. Cơ quan hải quan có thể yêu cầu bản dịch nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ không phải bằng tiếng Anh.

Điều 28. Nhập khẩu từng phần

Trong trường hợp nhà nhập khẩu đề nghị và theo quy định của cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu, hàng hóa tháo rời hoặc chưa được lắp ráp theo định nghĩa tại Quy tắc chung (2a) của Hệ thống Hài hòa có mã HS thuộc Phần XVI và Phần XVII hoặc thuộc các nhóm 7308 và 9406 của Hệ thống Hài hòa được phép nhập khẩu từng phần và chỉ cần nộp một chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa duy nhất cho cơ quan hải quan tại lần nhập khẩu đầu tiên.

Điều 29. Miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa

1. Hàng hóa được gửi theo kiện nhỏ từ cá nhân đến cá nhân hoặc hành lý cá nhân của người đi du lịch được coi là hàng hóa có xuất xứ mà không yêu cầu phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, với điều kiện hàng hóa đó không được nhập khẩu theo hình thức thương mại, được khai báo đáp ứng quy định tại Thông tư này và không có nghi ngờ về tính xác thực của khai báo đó. Trong trường hợp hàng hóa được gửi qua bưu điện, khai báo có thể được thực hiện trên tờ khai hải quan nhập khẩu hoặc trên một văn bản đính kèm tờ khai hải quan.

2. Lô hàng nhập khẩu không thường xuyên chỉ bao gồm các sản phẩm phục vụ tiêu dùng cá nhân của người nhận hàng hoặc người đi du lịch hoặc gia đình của người đó không được coi là nhập khẩu theo hình thức thương mại nếu bản chất và số lượng sản phẩm đó có thể là bằng chứng cho thấy sản phẩm không dùng cho mục đích thương mại.

3. Tổng trị giá hàng hóa quy định tại khoản 1 và 2 Điều này không được vượt quá:

a) 500 EUR (năm trăm ơ-rô) đối với kiện hàng nhỏ hoặc 1.200 EUR (một ngàn hai trăm ơ-rô) đối với hàng hóa là một phần hành lý cá nhân của người đi du lịch khi nhập cảnh vào Vương quốc Anh.

b) 200 đô-la Mỹ (hai trăm đô-la Mỹ) đối với trường hợp kiện hàng nhỏ và hàng hóa là một phần hành lý cá nhân của người đi du lịch khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Điều 30. Tài liệu chứng minh xuất xứ hàng hóa

Tài liệu chứng minh xuất xứ hàng hóa phục vụ việc cấp C/O hoặc phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ bao gồm:

1. Tài liệu chứng minh quá trình sản xuất hoặc công đoạn gia công được thực hiện bởi nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất, như báo cáo hoặc sổ sách kế toán.

2. Chứng từ dùng để chứng minh xuất xứ nguyên liệu được phát hành hoặc khai báo tại một Nước thành viên theo quy định hiện hành.

3. Chứng từ chứng minh công đoạn gia công hoặc chế biến nguyên liệu, được phát hành hoặc khai báo tại một Nước thành viên theo quy định hiện hành.

4. Chứng từ chứng nhận xuất xứ nguyên liệu được phát hành hoặc khai báo tại một Nước thành viên theo quy định tại Thông tư này.

Điều 31. Lưu trữ hồ sơ

1. Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hoặc thương nhân đề nghị cấp C/O lưu trữ ít nhất 3 năm bản sao của chứng từ chứng nhận xuất xứ cũng như chứng từ khác.

2. Cơ quan, tổ chức cấp C/O của Nước thành viên xuất khẩu lưu trữ ít nhất 3 năm hồ sơ đề nghị cấp C/O.

3. Cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu lưu trữ ít nhất 3 năm chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã được nộp cho cơ quan hải quan đó.

4. Nhà xuất khẩu lưu trữ chứng từ hoặc hồ sơ, theo quy định hiện hành của Nước thành viên, dưới bất kỳ hình thức nào, với điều kiện chứng từ hoặc hồ sơ tra cứu và in ra được.

Điều 32. Khác biệt nhỏ và lỗi hình thức

1. Khác biệt nhỏ giữa thông tin khai báo trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và thông tin trên chứng từ nộp cho cơ quan hải quan để làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa không làm mất đi hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nếu những khác biệt này vẫn phù hợp với hàng hóa nhập khẩu trên thực tế.

2. Lỗi hình thức như lỗi đánh máy không là lý do để chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa bị từ chối nếu lỗi đó không tạo ra nghi ngờ về tính xác thực của khai báo thể hiện trên chứng từ.

3. Trong trường hợp nhiều hàng hóa được kê khai trên cùng một chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, vướng mắc đối với một mặt hàng sẽ không ảnh hưởng hoặc trì hoãn việc cho phép hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA và thông quan hàng hóa đối với mặt hàng còn lại.

Điều 33. Chuyển đổi đơn vị tiền tệ

1. Trong trường hợp hạn mức trị giá hàng hóa nêu tại điểm b khoản 1 Điều 19 và điểm a khoản 3 Điều 29 Thông tư này được tính bằng đồng tiền khác EUR, hạn mức trị giá tương đương tính theo đơn vị tiền tệ quốc gia của Vương quốc Anh hoặc của Việt Nam được mỗi Nước thành viên ấn định hàng năm.

2. Một lô hàng có hóa đơn thanh toán bằng đồng tiền khác EUR sẽ được xác định hạn mức trị giá quy định tại điểm b khoản 1 Điều 19 và điểm a khoản 3 Điều 29 Thông tư này theo hạn mức do Nước thành viên liên quan ấn định.

Điều 34. Xác minh chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa

1. Việc kiểm tra, xác minh chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện xác suất hoặc khi cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên nhập khẩu có nghi ngờ hợp lý về tính xác thực của chứng từ, về xuất xứ của hàng hóa hoặc việc tuân thủ quy định khác của UKVFTA.

2. Theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên nhập khẩu gửi lại C/O, hóa đơn đã được nộp, hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hay bản sao của các chứng từ này cho cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu và đưa ra lý do đề nghị kiểm tra, xác minh phù hợp. Các chứng từ và thông tin cho thấy sự sai lệch, không chính xác về thông tin thể hiện trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được gửi kèm theo đề nghị kiểm tra, xác minh. Cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan hải quan của nước xuất khẩu thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu về việc nhận được đề nghị kiểm tra, xác minh chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Việc thông báo này có thể thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm cả hình thức điện tử.

3. Việc kiểm tra, xác minh do cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu thực hiện. Cơ quan có thẩm quyền này có quyền yêu cầu bằng chứng và tiến hành kiểm tra báo cáo, sổ sách kế toán của nhà xuất khẩu hoặc công tác kiểm tra khác được cho là phù hợp.

4. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên nhập khẩu quyết định tạm dừng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA đối với lô hàng trong thời gian chờ kết quả kiểm tra, xác minh, việc thông quan hàng hóa cho nhà nhập khẩu được thực hiện và có xét đến các biện pháp phòng ngừa cần thiết. Quyết định tạm dừng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA phải được thu hồi ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên nhập khẩu xác định hàng hóa có xuất xứ hoặc tuân thủ các quy định khác của Thông tư này.

5. Cơ quan có thẩm quyền đề nghị kiểm tra, xác minh phải được thông báo kết quả kiểm tra, xác minh trong thời gian sớm nhất có thể. Nội dung kết quả kiểm tra, xác minh phải nêu rõ tính xác thực của các chứng từ và xác định hàng hóa có xuất xứ hay không có xuất xứ tại Nước thành viên và tuân thủ các quy định khác của UKVFTA.

6. Trong trường hợp có nghi ngờ về việc không nhận được trả lời kiểm tra, xác minh từ cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu trong vòng 10 tháng kể từ ngày đề nghị kiểm tra, xác minh hoặc việc trả lời kiểm tra, xác minh không đủ thông tin cần thiết để xác định tính xác thực của chứng từ hoặc xuất xứ hàng hóa, cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên nhập khẩu được phép từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan, trừ trường hợp ngoại lệ. Trước khi từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan, việc cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu nhận được hay không nhận được đề nghị kiểm tra, xác minh phải được làm rõ.

7. Trong trường hợp cần nhiều thời gian hơn 10 tháng để thực hiện việc kiểm tra, xác minh và trả lời kiểm tra, xác minh theo quy định tại khoản 6 Điều này, cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu hoặc cơ quan hải quan của nước xuất khẩu thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên nhập khẩu được biết.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN ĐẶC BIỆT

Điều 35. Công quốc An-đô-ra (Andorra)

Hàng hóa có xuất xứ từ Công quốc An-đô-ra thuộc HS từ Chương 25 đến Chương 97 của Hệ thống Hài hòa được chấp nhận là có xuất xứ từ Liên minh châu Âu theo quy định của UKVFTA.

Điều 36. Cộng hòa San Ma-ri-nô (San Marino)

Hàng hóa có xuất xứ từ Cộng hòa San-Ma-ri-nô được chấp nhận là có xuất xứ từ Liên minh châu Âu theo quy định của UKVFTA.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 37. Hàng hóa trong quá trình vận chuyển hoặc lưu kho

Hàng hóa có xuất xứ đang ở Nước thành viên hoặc trong quá trình vận chuyển, lưu kho tạm thời, trong kho ngoại quan hoặc trong khu phi thuế quan kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA khi đáp ứng quy định tại Thông tư này và có chứng từ chứng nhận xuất xứ phát hành sau được nộp cho cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu. Trong trường hợp được yêu cầu, nhà nhập khẩu nộp chứng từ chứng minh hàng hóa không thay đổi xuất xứ theo quy định tại Điều 17 Thông tư này cho cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu.

Điều 38. Bảo mật thông tin

Nước thành viên bảo mật thông tin và dữ liệu thu được trong quá trình xác minh xuất xứ, không tiết lộ thông tin và dữ liệu có thể gây tổn hại đến cá nhân cung cấp thông tin và dữ liệu. Thông tin và dữ liệu được trao đổi giữa cơ quan có thẩm quyền của các Nước thành viên nhằm mục đích quản lý hành chính và xác minh xuất xứ phải được bảo mật.

Điều 39. Tổ chức thực hiện

1. Các nội dung hướng dẫn, thống nhất cách hiểu liên quan đến Quy tắc xuất xứ hàng hóa được các Nước thành viên thống nhất luân phiên hoặc thống nhất tại báo cáo các phiên họp thực thi của Ủy ban Hải quan trong khuôn khổ UKVFTA là căn cứ để các cơ quan, tổ chức cấp C/O và cơ quan hải quan thực hiện.

2. Các nội dung nêu tại khoản 1 Điều này được thông báo đến các cơ quan, tổ chức cấp C/O và cơ quan hải quan thông qua cơ quan đầu mối của Ủy ban Hải quan thực hiện UKVFTA.

Điều 40. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 6 năm 2021./.

 


Nơi nhận:
– Th tướng, các Phó thủ tướng Chính phủ;
– Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Tổng bí thư,

Văn phòng Quốc hội, Văn phòng TƯ và các Ban của Đảng;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
– Viện KSND tối cao, Tòa án ND tối cao;
– Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật);
– Công báo;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
– Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương;
– Sở Công Thương các tỉnh, thành phố;
– Bộ Công Thương: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các Tổng Cục, Cục, Vụ thuộc Bộ, các Phòng QLXNKKV (19);
– Lưu: VT
, XNK (5).

BỘ TRƯỞNG

Nguyễn Hồng Diên

PHỤ LỤC I

CHÚ GIẢI CHO QUY TẮC CỤ THỂ MẶT HÀNG QUY ĐỊNH TẠI PHỤ LỤC II
(ban hành kèm theo Thông tư số 02/2021/TT-BCT ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong UKVFTA)

Chú giải 1. Tiêu chí xuất xứ quy định tại Phụ lục II

Phụ lục II Thông tư này quy định tiêu chí xuất xứ áp dụng đối với công đoạn gia công hoặc chế biến hàng hóa nhằm đáp ứng quy định tại Điều 7 Thông tư này, bao gồm bốn loại tiêu chí xuất xứ sau:

1. Hạn mức tối đa nguyên liệu không có xuất xứ được phép sử dụng trong quá trình gia công hoặc chế biến hàng hóa;

2. Chuyển đổi mã số HS ở cấp độ Chương (2 số), Nhóm (4 số) hoặc Phân nhóm (6 số) của hàng hóa so với mã số HS ở cấp độ tương ứng của nguyên liệu sử dụng trong quá trình gia công hoặc chế biến hàng hóa. Trường hợp áp dụng điểm b khoản 4, Chú giải 3 Phụ lục này, mã số HS ở cấp độ Nhóm hoặc Phân nhóm của hàng hóa được phép trùng với mã số HS ở cấp độ tương ứng của nguyên liệu sử dụng trong quá trình gia công hoặc chế biến hàng hóa.

3. Công đoạn gia công và chế biến cụ thể; hoặc

4. Công đoạn gia công hoặc chế biến từ nguyên liệu có xuất xứ thuần tuý.

Chú giải 2. Cấu trúc danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng tại Phụ lục II

1. Danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng tại Phụ lục II Thông tư này bao gồm ba cột. Cột thứ nhất (1) thể hiện mã số HS ở cấp độ Chương, Nhóm hoặc Phân nhóm của hàng hóa được sản xuất. Cột thứ hai (2) thể hiện mô tả hàng hóa tương ứng với mã số HS tại cột thứ nhất (1). Cột thứ ba (3) thể hiện tiêu chí xuất xứ tương ứng đối với hàng hóa được mô tả tại hai cột đầu tiên.

2. Trường hợp cột (1) có tiền tố “ex” trước mã số HS, tiêu chí xuất xứ tại cột (3) chỉ áp dụng đối với hàng hóa như mô tả tại cột (2), không áp dụng đối với toàn bộ hàng hóa thuộc mã số HS đó.

3. Trường hợp cột (1) thể hiện mã số HS ở cấp độ Chương hoặc một nhóm các mã HS ở cấp độ Nhóm và cột (2) thể hiện phần mô tả hàng hóa tương ứng, tiêu chí xuất xứ tại cột (3) áp dụng đối với hàng hóa thuộc mã HS ở cấp độ Nhóm của Chương đó hoặc mã HS ở cấp độ Nhóm thuộc nhóm mã HS được thể hiện ở cột (1).

4. Trường hợp tiêu chí xuất xứ khác nhau áp dụng đối với hàng hóa khác nhau thuộc cùng mã số HS ở cấp độ Nhóm, mỗi dòng mô tả hàng hóa là một phần của mã HS đó áp dụng tiêu chí xuất xứ tương ứng tại cột (3).

5. Trường hợp hai tiêu chí xuất xứ được thể hiện tại cột (3) bằng các dòng riêng biệt và nối với nhau bằng từ “hoặc”, nhà xuất khẩu có quyền lựa chọn áp dụng một trong hai tiêu chí xuất xứ đó.

Chú giải 3. Ví dụ áp dụng tiêu chí xuất xứ

1. Theo quy định tại Điều 7 Thông tư này, trường hợp sản phẩm đáp ứng quy tắc xuất xứ sau đó được sử dụng làm nguyên liệu trong quá trình sản xuất tiếp theo của sản phẩm khác, nguyên liệu đó được coi là có xuất xứ cho dù quá trình sản xuất ra nguyên liệu này diễn ra tại nhà máy sản xuất sản phẩm hay tại nhà máy khác ở cùng một Nước thành viên.

2. Công đoạn gia công hoặc chế biến được thực hiện phải vượt quá công đoạn gia công, chế biến quy định tại Điều 10 Thông tư này. Trường hợp không đáp ứng quy định tại Điều 10 Thông tư này, hàng hóa không đủ điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan cho dù hàng hóa đó đáp ứng tiêu chí xuất xứ quy định tại Phụ lục II Thông tư này.

3. Theo quy định tại khoản 2 Chú giải này, tiêu chí xuất xứ tại Phụ lục II Thông tư này quy định công đoạn gia công hoặc chế biến tối thiểu thực hiện trong quá trình sản xuất ra hàng hóa. Trường hợp thực hiện nhiều hơn công đoạn gia công hoặc chế biến quy định tại Phụ lục II Thông tư này vẫn được coi là đáp ứng tiêu chí xuất xứ mà không ảnh hưởng đến quy định tại Điều 10 Thông tư này. Ngược lại, trường hợp thực hiện ít hơn công đoạn gia công hoặc chế biến quy định tại Phụ lục II Thông tư này thì không được coi là đáp ứng tiêu chí xuất xứ.

4. Tiêu chí xuất xứ chuyển đổi mã số HS của hàng hóa:

a) Tiêu chí xuất xứ diễn đạt “Sử dụng nguyên liệu từ bất kỳ Nhóm nào để sản xuất, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm” nghĩa là cho phép sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ thuộc mã HS ở cấp độ Nhóm khác với Nhóm của hàng hóa (CTH).

b) Tiêu chí xuất xứ diễn đạt “Sử dụng nguyên liệu từ bất kỳ Nhóm nào để sản xuất” nghĩa là cho phép sử dụng nguyên liệu thuộc bất kỳ mã HS nào (bao gồm nguyên liệu có cùng mô tả và trùng với mã HS ở cấp độ Nhóm của hàng hóa).

5. Tiêu chí xuất xứ diễn đạt “Trị giá nguyên liệu được sử dụng không vượt quá x% giá xuất xưởng của sản phẩm” nghĩa là chỉ xét đến trị giá nguyên liệu không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất hàng hóa. Tỷ lệ phần trăm tối đa của nguyên liệu không có xuất xứ được sử dụng không được phép vượt quá tỷ lệ phần trăm quy định tại Phụ lục II Thông tư này thông qua việc áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này.

6. Tiêu chí xuất xứ quy định việc sử dụng nguyên liệu cụ thể không có xuất xứ:

a) Tiêu chí xuất xứ quy định được phép sử dụng một nguyên liệu cụ thể không có xuất xứ thì công đoạn gia công hoặc chế biến hàng hóa được phép sử dụng các nguyên liệu trong giai đoạn trước của quá trình sản xuất ra nguyên liệu cụ thể đó và không được phép sử dụng nguyên liệu trung gian làm từ nguyên liệu cụ thể đó.

b) Tiêu chí xuất xứ quy định không được phép sử dụng một nguyên liệu cụ thể không có xuất xứ thì công đoạn gia công hoặc chế biến hàng hóa được phép sử dụng các nguyên liệu trong giai đoạn trước của quá trình sản xuất ra nguyên liệu cụ thể đó và không được phép sử dụng nguyên liệu trung gian làm từ nguyên liệu cụ thể đó.

c) Ví dụ: tiêu chí xuất xứ áp dụng cho Chương 19 quy định “trọng lượng nguyên liệu thuộc Nhóm 1006 và từ Nhóm 1101 đến 1108 không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm”, việc sử dụng ngũ cốc không có xuất xứ thuộc Chương 10 (là những nguyên liệu ở giai đoạn trước trong quá trình sản xuất sản phẩm thuộc Nhóm từ 1101 đến Nhóm 1108) không bị giới hạn bởi quy định về tỷ lệ 20% trọng lượng sản phẩm.

7. Tiêu chí xuất xứ quy định sản phẩm được phép sản xuất từ nhiều hơn một nguyên liệu nghĩa là một hoặc nhiều hơn một nguyên liệu được phép sử dụng. Tiêu chí này không yêu cầu tất cả nguyên liệu phải được sử dụng trong quá trình sản xuất.

8. Tiêu chí xuất xứ quy định việc sử dụng nguyên liệu cụ thể

a) Tiêu chí xuất xứ quy định sản phẩm phải được sản xuất từ một nguyên liệu cụ thể nghĩa là không ngăn cản việc sử dụng các nguyên liệu khác mà do bản chất vốn có của các nguyên liệu này không thể đáp ứng tiêu chí xuất xứ đó.

b) Ví dụ: Sản phẩm cán phẳng từ sắt và thép không hợp kim, có chiều rộng bằng hoặc lớn hơn 600 mm, đã được sơn, đánh bóng hoặc tráng phủ nhựa, được phân loại thuộc mã HS 7210.70. Tiêu chí xuất xứ đối với Nhóm 7210 là “Sản xuất từ nguyên liệu dạng thỏi đúc hoặc các dạng thô khác hoặc từ bán thành phẩm thuộc Nhóm 7206 và Nhóm 7207”. Như vậy, tiêu chí xuất xứ này không ngăn cản việc sử dụng sơn và véc ni (Nhóm 3208) hoặc nhựa (Chương 39) không có xuất xứ.

Chú giải 4. Quy định về hàng nông nghiệp

1. Sản phẩm nông nghiệp thuộc Chương 6, 7, 8, 9, 10, 12 và Nhóm 2401 được trồng hoặc thu hoạch tại lãnh thổ của một nước thành viên Hiệp định UKVFTA được coi là có xuất xứ tại nước thành viên đó, bao gồm trường hợp được trồng từ hạt, củ, thân rễ, cành giâm, cành ghép, cành non, chồi, hoặc các bộ phận sống khác của cây được nhập khẩu từ nước không phải là thành viên Hiệp định UKVFTA.

2. Quy định tỷ lệ giới hạn về trọng lượng

a) Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này, trường hợp tiêu chí xuất xứ áp dụng đối với sản phẩm thuộc Chương 1 đến Chương 24 quy định tỷ lệ giới hạn về trọng lượng, tỷ lệ giới hạn về trọng lượng này chỉ áp dụng đối với nguyên liệu không có xuất xứ. Do vậy, nguyên liệu có xuất xứ sẽ không cần xét đến khi tính toán tỷ lệ giới hạn về trọng lượng. Tỷ lệ giới hạn về trọng lượng được diễn đạt như quy định tại điểm b, điểm c và điểm d khoản này.

b) Tiêu chí xuất xứ diễn đạt “trọng lượng của nguyên liệu thuộc Chương/Nhóm” nghĩa là trọng lượng từng nguyên liệu được cộng dồn và tổng trọng lượng của các nguyên liệu này không vượt quá tỷ lệ tối đa.

Ví dụ: tiêu chí xuất xứ đối với Chương 19 yêu cầu trọng lượng nguyên liệu thuộc Chương 2, Chương 3 và Chương 16 được sử dụng không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm. Trường hợp trọng lượng sản phẩm có chứa 12% nguyên liệu từ Chương 3 và 10% nguyên vật liệu từ Chương 16, sản phẩm đó không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Chương 19 vì tổng trọng lượng nguyên liệu sử dụng vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm.

c) Tiêu chí xuất xứ diễn đạt “trọng lượng đơn lẻ của nguyên liệu thuộc Chương/Nhóm” nghĩa là trọng lượng của từng nguyên liệu không vượt quá tỷ lệ tối đa và tổng trọng lượng nguyên liệu không được xét đến.

Ví dụ: tiêu chí xuất xứ đối với Chương 22 yêu cầu trọng lượng đơn lẻ của đường và nguyên liệu thuộc Chương 4 không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm. Trường hợp trọng lượng sản phẩm chứa 15% đường và 10% nguyên liệu thuộc Chương 4 thì đáp ứng quy tắc xuất xứ Chương 22 vì trọng lượng đơn lẻ từng nguyên liệu nhỏ hơn 20% trọng lượng sản phẩm. Ngược lại, trường hợp trọng lượng sản phẩm cuối cùng chứa 25% đường và 10% nguyên liệu thuộc Chương 4 thì không đáp ứng tiêu chí xuất xứ.

d) Tiêu chí xuất xứ diễn đạt “tổng trọng lượng kết hợp của đường và nguyên liệu từ Chương 4 không vượt quá x% trọng lượng sản phẩm cuối cùng” nghĩa là đường và nguyên liệu từ Chương 4 phải đáp ứng tỷ lệ giới hạn về trọng lượng của từng nguyên liệu cũng như tổng trọng lượng cộng dồn. Giới hạn tổng trọng lượng kết hợp quy định chặt hơn so với giới hạn trọng lượng đơn lẻ.

Ví dụ: quy tắc xuất xứ đối với Nhóm 1704 yêu cầu trọng lượng kết hợp của đường và nguyên liệu thuộc Chương 4 không vượt quá 50% trọng lượng sản phẩm. Giới hạn trọng lượng đơn lẻ của nguyên liệu Chương 4 là 20% và của đường là 40%. Trường hợp trọng lượng sản phẩm chứa 35% đường và 15% nguyên liệu thuộc Chương 4, cả giới hạn trọng lượng đơn lẻ và giới hạn trọng lượng kết hợp đều đáp ứng tiêu chí xuất xứ Nhóm 1704. Ngược lại, trường hợp trọng lượng sản phẩm chứa 35% đường và 20% nguyên liệu thuộc Chương 4, tỷ lệ trọng lượng kết hợp là 55% trọng lượng sản phẩm. Trong trường hợp đó, giới hạn trọng lượng đơn lẻ của từng nguyên liệu đáp ứng nhưng vượt quá giới hạn trọng lượng kết hợp, do đó không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Nhóm 1704.

Chú giải 5. Thuật ngữ được sử dụng liên quan đến hàng dệt may

1. Thuật ngữ “xơ tự nhiên” chỉ các loại xơ ngoại trừ xơ nhân tạo hoặc xơ tổng hợp. Đây là loại xơ ở giai đoạn trước khi diễn ra quá trình quay sợi, bao gồm phế liệu, và, ngoại trừ quy định khác, bao gồm xơ được chải thô, chải kỹ hoặc đã gia công, nhưng chưa kéo thành sợi.

2. Thuật ngữ “xơ tự nhiên” bao gồm lông đuôi hoặc bờm ngựa thuộc Nhóm 0511, tơ tằm thuộc Nhóm 5002 và Nhóm 5003, xơ lông cừu và lông động vật chải kỹ hoặc chải thô thuộc các Nhóm từ 5101 đến 5105, xơ bông thuộc các Nhóm từ 5201 đến 5203, và xơ thực vật thuộc các Nhóm từ 5301 đến 5305.

3. Thuật ngữ “bột giấy dệt”, “nguyên liệu hóa học” và “nguyên liệu làm giấy” mô tả nguyên liệu, không được phân loại thuộc Chương 50 đến Chương 63, được sử dụng trong quá trình sản xuất xơ hoặc sợi giấy, tổng hợp hoặc nhân tạo.

4. Thuật ngữ “xơ staple nhân tạo” chỉ các bó sợi filament nhân tạo hoặc tổng hợp, phế liệu hoặc xơ staple thuộc các Nhóm từ 5501 đến 5507.

Chú giải 6. Hạn mức linh hoạt áp dụng cho sản phẩm dệt may được làm từ nhiều nguyên liệu dệt may

1. Trường hợp tiêu chí xuất xứ của một sản phẩm tại Phụ lục II Thông tư này dẫn chiếu đến quy định tại Chú giải này, tiêu chí xuất xứ tại cột thứ ba (3) không áp dụng đối với nguyên liệu dệt may cơ bản sử dụng trong quá trình sản xuất sản phẩm này và nguyên liệu dệt may cơ bản này chiếm 10% hoặc ít hơn tổng trọng lượng các nguyên liệu dệt may cơ bản được sử dụng trong quá trình sản xuất (xem thêm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Chú giải này).

2. Sản phẩm dệt may được làm từ nhiều nguyên liệu dệt may cơ bản

a) Hạn mức linh hoạt nêu tại khoản 1 Điều này chỉ áp dụng đối với sản phẩm hỗn hợp làm từ hai hoặc nhiều nguyên liệu dệt may cơ bản, bao gồm:

– tơ tằm;

– len lông cừu;

– lông động vật loại thô;

– lông động vật loại mịn;

– lông đuôi hoặc bờm ngựa;

– bông;

– nguyên liệu làm giấy và giấy;

– lanh;

– gai dầu;

– đay và các loại xơ libe dệt khác;

– sợi xidan và xơ dệt khác của cây thùa;

– xơ dừa, xơ chuối, xơ gai ramie và các loại xơ dệt gốc thực vật khác;

– xơ filament nhân tạo tổng hợp;

– xơ filament nhân tạo tái tạo;

– xơ filament dẫn điện;

– xơ staple nhân tạo tổng hợp từ chất liệu polypropylene;

– xơ staple nhân tạo tổng hợp từ chất liệu polyeste;

– xơ staple nhân tạo tổng hợp từ polyamit;

– xơ staple nhân tạo tổng hợp từ polyacrylonitrile;

– xơ staple nhân tạo tổng hợp từ polyimit;

– xơ staple nhân tạo tổng hợp từ nhựa teflon;

– xơ staple nhân tạo tổng hợp từ poly (phenylene sulphide);

– xơ staple nhân tạo tổng hợp từ poly (vinyl chlorua);

– xơ staple nhân tạo tổng hợp khác;

– xơ staple nhân tạo tái tạo từ tơ vít cô;

– xơ staple nhân tạo tái tạo khác;

– sợi làm từ polyurethane đã được phân đoạn với những đoạn linh hoạt từ polyether, đã hoặc chưa bọc;

– sợi làm từ polyurethane đã được phân đoạn với những đoạn linh hoạt từ polyeste, đã hoặc chưa bọc;

– các sản phẩm thuộc Nhóm 5605 (sợi kim hóa) kết hợp có chứa một lõi làm từ lá nhôm hoặc lõi làm từ màng nhựa đã hoặc chưa được phủ bột nhôm, có chiều rộng không quá 5 mm, được kẹp vào giữa bởi chất kết dính trong suốt hoặc có màu hai lớp màng nhựa;

– các sản phẩm khác thuộc Nhóm 5605;

– xơ thủy tinh;

– xơ kim loại.

b) Ví dụ 1: Vải dệt có chần sợi nổi vòng thuộc Nhóm 5802 được làm từ sợi bông thuộc Nhóm 5205 và vải bông thuộc Nhóm 5210 chỉ được coi là sản phẩm hỗn hợp nếu vải bông là vải hỗn hợp làm từ sợi thuộc hai Nhóm riêng biệt, hoặc nếu sợi bông được sử dụng là sợi hỗn hợp.

c) Ví dụ 2: Trường hợp vải dệt có chần sợi nổi vòng nói trên được làm từ sợi bông thuộc Nhóm 5205 và vải tổng hợp thuộc Nhóm 5407, trong đó sợi bông sử dụng được làm từ hai nguyên liệu dệt may cơ bản riêng biệt, do vậy vải dệt trần sợi vòng là sản phẩm hỗn hợp.

3. Trường hợp sản phẩm chứa “sợi làm từ polyurethane đã được phân đoạn với những đoạn linh hoạt từ polyether, đã hoặc chưa bọc”, tỷ lệ linh hoạt được áp dụng cho sợi này là 20%.

4. Trường hợp các sản phẩm có chứa “một mảnh làm từ lá nhôm hoặc làm từ màng nhựa đã hoặc chưa được phủ bột nhôm, có chiều rộng không quá 5 mm, được kẹp vào giữa bởi chất kết dính trong suốt hoặc có màu hai lớp màng nhựa”, tỷ lệ linh hoạt áp dụng cho mảnh này là 30%.

Chú giải 7. Hạn mức linh hoạt khác áp dụng cho sản phẩm dệt may

1. Trường hợp tiêu chí xuất xứ của một sản phẩm tại Phụ lục II Thông tư này dẫn chiếu đến quy định tại Chú giải này, nguyên liệu dệt may không thỏa mãn tiêu chí xuất xứ được quy định tại cột thứ ba (3) của danh mục được phép sử dụng với điều kiện nguyên liệu dệt may đó được phân loại ở Nhóm khác với Nhóm của sản phẩm và trị giá sử dụng không vượt quá 8% giá xuất xưởng của sản phẩm.

2. Sử dụng nguyên liệu không phải là nguyên liệu dệt may

a) Nguyên liệu không thuộc Chương 50 đến Chương 63 được phép sử dụng để sản xuất sản phẩm dệt may mà không xét đến xuất xứ, cho dù nguyên liệu đó chứa nguyên liệu dệt may hay không.

b) Ví dụ: Trường hợp tiêu chí xuất xứ của một sản phẩm dệt may cụ thể (ví dụ quần dài) phải sử dụng sợi, quy định này cho phép sử dụng vật liệu kim loại, như cúc, vì cúc không thuộc Chương 50 đến Chương 63. Cũng như vậy, quy định này cho phép sử dụng khóa kéo dù khóa kéo thường có nguyên liệu dệt may.

3. Khi áp dụng tiêu chí về tỷ lệ giới hạn, trị giá các nguyên liệu không có xuất xứ không thuộc Chương 50 đến Chương 63 phải được xét đến khi tính toán trị giá của nguyên liệu không có xuất xứ tham gia vào quá trình sản xuất.

Chú giải 8. Công đoạn gia công cụ thể và công đoạn đơn giản đối với sản phẩm thuộc Chương 27

1. Để áp dụng tiêu chí xuất xứ Nhóm ex 2707 và Nhóm 2713, “công đoạn gia công cụ thể” là những công đoạn sau:

a) chưng cất chân không;

b) chưng cất lại bằng quá trình phân đoạn kỹ;

c) cracking (lọc dầu);

d) quá trình reforming;

đ) chiết tách bằng việc sử dụng các dung môi chọn lọc;

e) công đoạn bao gồm các hoạt động sau: xử lý với axit sunfuric đậm đặc, axit sunfuric bốc khói hoặc anhidrit sunfuric; trung hoà với chất kiềm; tẩy màu và tinh chế với đất hoạt tính tự nhiên, đất kích hoạt, bô xít hoặc than hoạt tính;

g) polyme hóa;

h) ankyl hóa; và

i) đồng phân hóa.

2. Để áp dụng tiêu chí xuất xứ Nhóm 2710, Nhóm 2711 và Nhóm 2712, “công đoạn gia công cụ thể” là những công đoạn sau:

a) chưng cất chân không;

b) chưng cất lại bằng quá trình phân đoạn kỹ;

c) cracking (lọc dầu);

d) quá trình reforming;

đ) chiết tách bằng việc sử dụng các dung môi chọn lọc;

e) công đoạn bao gồm các hoạt động sau: xử lý với axit sunfuric đậm đặc, axit sunfuric bốc khói hoặc anhidrit sunfuric; trung hoà với chất kiềm; tẩy màu và tinh chế với đất hoạt tính tự nhiên, đất kích hoạt, bô xít hoặc than hoạt tính;

g) polyme hóa;

h) ankyl hóa;

i) đồng phân hóa;

k) đối với dầu nặng thuộc Nhóm ex 2710, khử lưu huỳnh bằng hydro, làm giảm ít nhất 85% lượng lưu huỳnh trong sản phẩm đã được chế biến (phương pháp ASTM D 1266-59 T);

l) đối với hàng hóa thuộc Nhóm 2710, loại bỏ parafin bằng một công đoạn ngoại trừ công đoạn lọc dầu;

m) đối với dầu nặng thuộc Nhóm 2710, xử lý với hydro, tại áp suất trên 20 bar và nhiệt độ lớn hơn 250 độ C, cùng với việc sử dụng một chất xúc tác, ngoại trừ việc tạo ra công đoạn khử lưu huỳnh, khi hydro tạo thành một yếu tố hoạt tính trong một phản ứng hóa học. Tuy nhiên, việc xử lý thêm, với hydro, đối với dầu bôi trơn thuộc Nhóm ex2710 (ví dụ: tách hợp chất có chứa lưu huỳnh và ni tơ hoặc tẩy màu), theo trình tự, cụ thể hơn, để cải thiện màu sắc hoặc độ bền và độ ổn định sẽ không được coi là một công đoạn gia công cụ thể;

n) đối với dầu nhiên liệu thuộc Nhóm ex 2710, chưng cất khí quyển, với điều kiện dưới 30% về thể tích của sản phẩm này được chưng cất, bao gồm cả phần tiêu hao, tại 300 độ C, theo phương pháp ASTM D 86;

o) đối với dầu nặng ngoại trừ dầu khí và dầu nhiên liệu thuộc Nhóm ex 2710, xử lý bằng cách phóng điện chổi than với tần số cao; và

p) đối với các sản phẩm thô (ngoại trừ mỡ khoáng, khoáng sáp ozokerit, sáp than non hoặc sáp than bùn, sáp parafin chứa dưới 0,75% trọng lượng là dầu) chỉ của Nhóm ex 7212, tách dầu bằng công đoạn kết tinh từng phần.

3. Để áp dụng tiêu chí xuất xứ Nhóm ex 2707 và Nhóm 2713, các công đoạn đơn giản, ví dụ làm sạch, gạn, khử muối, tách nước, lọc, thêm màu, đánh dấu, trộn sản phẩm với lưu huỳnh theo các hàm lượng khác nhau để thu được sản phẩm có hàm lượng lưu huỳnh mong muốn, hoặc kết hợp giữa những công đoạn này hoặc công đoạn tương tự, được xem là không đáp ứng quy tắc xuất xứ.

 

PHỤ LỤC II

QUY TẮC CỤ THỂ MẶT HÀNG
(ban hành kèm theo Thông tư số 02/2021/TT-BCT ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong UKVFTA)

Mã HS

Mô tả hàng hóa

Công đoạn gia công hoặc chế biến

(1)

(2)

(3)

Chương 01 Động vật sống. Động vật sống thuộc Chương 1 có xuất xứ thuần túy
Chương 02 Thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ. Nguyên liệu là thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ có xuất xứ thuần túy.
Ex Chương 03 Cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thuỷ sinh không xương sống khác, ngoại trừ: Cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thuỷ sinh không xương sống khác có xuất xứ thuần túy.
0304 phi-lê cá và các loại thịt cá khác (đã hoặc chưa xay, nghiền, băm), tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Nguyên liệu thuộc Chương 3 có xuất xứ thuần túy.
0305 cá, làm khô, muối hoặc ngâm nước muối; cá hun khói, đã hoặc chưa làm chín trước hoặc trong quá trình hun khói; bột mịn, bột thô và bột viên làm từ cá, thích hợp dùng làm thức ăn cho người; Nguyên liệu thuộc Chương 3 có xuất xứ thuần túy.
Ex 0306 động vật giáp xác, đã hoặc chưa bóc mai, vỏ, làm khô, muối hoặc ngâm nước muối; động vật giáp xác hun khói, đã hoặc chưa bóc mai, vỏ, đã hoặc chưa làm chín trước hoặc trong quá trình hun khói; động vật giáp xác chưa bóc mai, vỏ, đã hấp chín hoặc luộc chín trong nước, đã hoặc chưa ướp lạnh, đông lạnh, làm khô, muối, hoặc ngâm nước muối; bột thô, bột mịn và bột viên của động vật giáp xác, thích hợp dùng làm thức ăn cho người; Nguyên liệu thuộc Chương 3 có xuất xứ thuần túy.
Ex 0307 động vật thân mềm, đã hoặc chưa bóc mai, vỏ, làm khô, muối hoặc ngâm nước muối; động vật thân mềm hun khói, đã hoặc chưa bóc mai, vỏ, đã hoặc chưa làm chín trước hoặc trong quá trình hun khói; bột mịn, bột thô và bột viên của động vật thân mềm, thích hợp dùng làm thức ăn cho người; và Nguyên liệu thuộc Chương 3 có xuất xứ thuần túy.
Ex 0308 động vật thủy sinh không xương sống trừ động vật giáp xác và động vật thân mềm, làm khô, muối hoặc ngâm nước muối; động vật thủy sinh không xương sống hun khói trừ động vật giáp xác và động vật thân mềm, đã hoặc chưa làm chín trước hoặc trong quá trình hun khói; bột mịn, bột thô và bột viên của động vật thủy sinh trừ động vật giáp xác và động vật thân mềm, thích hợp dùng làm thức ăn cho người Nguyên liệu thuộc Chương 3 có xuất xứ thuần túy.
Ex Chương 04 Sản phẩm bơ sữa; trứng chim và trứng gia cầm; sản phẩm ăn được gốc động vật, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác; Quá trình sản xuất, trong đó:

– Nguyên liệu thuộc Chương 4 có xuất xứ thuần túy; và

– Trọng lượng đường không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm.

0409 Mật ong tự nhiên. Nguyên liệu mật ong tự nhiên có xuất xứ thuần túy.
Ex Chương 05 Sản phẩm gốc động vật, chưa được chi tiết hoặc ghi ở các nơi khác, ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào.
Ex 051191 trứng cá và bọc trứng cá không ăn được. Nguyên liệu trứng cá và bọc trứng cá có xuất xứ thuần túy.
Chương 06 Cây sống và các loại cây trồng khác; củ, rễ và loại tương tự; cành hoa và cành lá trang trí. Nguyên liệu thuộc Chương 6 có xuất xứ thuần túy.
Chương 07 Rau và một số loại củ, thân củ và rễ ăn được. Nguyên liệu thuộc Chương 7 có xuất xứ thuần túy.
Chương 08 Quả và quả hạch ăn được; vỏ quả thuộc họ cam quýt hoặc các loại dưa. Quá trình sản xuất, trong đó:

– Nguyên liệu là các loại quả, quả hạch và vỏ quả thuộc họ cam quýt hoặc các loại dưa thuộc Chương 8 có xuất xứ thuần túy; và

– Trọng lượng đường không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm.

Chương 09 Cà phê, chè, chè Paragoay và các loại gia vị. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào.
Chương 10 Ngũ cốc. Nguyên liệu thuộc Chương 10 có xuất xứ thuần túy.
Chương 11 Các sản phẩm xay xát; malt; tinh bột; inulin; gluten lúa mì. Nguyên liệu thuộc Chương 10 và Chương 11, các Nhóm 0701, 0714.10 và 2303, và Phân nhóm 0710.10 có xuất xứ thuần túy.
Chương 12 Hạt dầu và quả có dầu; các loại ngũ cốc, hạt và quả khác; cây công nghiệp hoặc cây dược liệu; rơm, rạ và có khô. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
Chương 13 Nhựa cánh kiến đỏ; gôm, nhựa cây, các chất nhựa và các chất chiết xuất từ thực vật khác. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, trong đó trọng lượng đường không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm.
Chương 14 Vật liệu thực vật dùng để tết bện; các sản phẩm thực vật chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào.
Ex Chương 15 Mỡ và dầu động vật hoặc thực vật và các sản phẩm tách từ chúng; mỡ ăn được đã chế biến; các loại sáp động vật hoặc thực vật, ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Phân nhóm nào, ngoại trừ Phân nhóm của sản phẩm.
1509 và 1510 dầu ô liu và các phần phân đoạn của dầu ô liu; Nguyên liệu thực vật có xuất xứ thuần túy.
1516 và 1517 mỡ và dầu động vật hoặc thực vật và các phần phân đoạn của chúng, đã qua hydro hoá, este hoá liên hợp, tái este hoá hoặc eledin hoá toàn bộ hoặc một phần, đã hoặc chưa tinh chế, nhưng chưa chế biến thêm;

Margarin; các hỗn hợp hoặc các chế phẩm ăn được của mỡ hoặc dầu động vật hoặc thực vật hoặc các phần phân đoạn của các loại mỡ hoặc dầu khác nhau thuộc Chương này, trừ mỡ hoặc dầu ăn được hoặc các phần phân đoạn của chúng thuộc Nhóm 1516; và

Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
152000 glycerol. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào.
Chương 16 Các chế phẩm từ thịt, cá hay động vật giáp xác, động vật thân mềm hoặc động vật thuỷ sinh không xương sống khác. Nguyên liệu thuộc Chương 2, Chương 3 và Chương 16 có xuất xứ thuần túy.
Ex Chương 17 Đường và các loại kẹo đường; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
1702 đường khác, kể cả đường lactoza, mantoza, glucoza và fructoza, tinh khiết về mặt hoá học, ở thể rắn; xirô đường chưa pha thêm hương liệu hoặc chất màu; mật ong nhân tạo đã hoặc chưa pha trộn với mật ong tự nhiên; đường caramen; và Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm, trong đó trọng lượng nguyên liệu thuộc các Nhóm từ 1101 đến 1108, Nhóm 1701 và Nhóm 1703 không vượt quá 30% trọng lượng sản phẩm.
1704 các loại kẹo đường (kể cả sô cô la trắng), không chứa ca cao; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm, trong đó:

– trọng lượng đơn lẻ của nguyên liệu thuộc Chương 4 không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm;

– trọng lượng đơn lẻ của đường không vượt quá 40% trọng lượng sản phẩm; và

– tổng trọng lượng đường và nguyên liệu thuộc Chương 4 không vượt quá 50% trọng lượng sản phẩm.

Chương 18 Ca cao và các chế phẩm từ ca cao. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm, trong đó:

– trọng lượng đơn lẻ của đường và nguyên liệu thuộc Chương 4 không vượt quá 40% trọng lượng sản phẩm; và

– tổng trọng lượng đường và nguyên liệu thuộc Chương 4 không vượt quá 60% trọng lượng sản phẩm.

Chương 19 Chế phẩm từ ngũ cốc, bột, tinh bột hoặc sữa; các loại bánh. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm, trong đó:

– trọng lượng nguyên liệu thuộc Chương 2, Chương 3 và Chương 16 không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm;

– trọng lượng nguyên liệu thuộc Nhóm 1006 và từ Nhóm 1101 đến 1108 không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm;

– trọng lượng đơn lẻ của nguyên liệu thuộc Chương 4 không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm;

– trọng lượng đơn lẻ của đường không vượt quá 40% trọng lượng của sản phẩm; và

– tổng trọng lượng đường và nguyên liệu thuộc Chương 4 không vượt quá 50% trọng lượng sản phẩm.

Ex Chương 20 Các chế phẩm từ rau, quả, quả hạch hoặc các sản phẩm khác của cây; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm, trong đó trọng lượng đường không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm.
2002 và 2003 cà chua, nấm và nấm cục, đã chế biến hoặc bảo quản bằng cách khác trừ bảo quản bằng giấm hoặc axít axetic. Nguyên liệu thuộc Chương 7 có xuất xứ thuần túy.
Ex Chương 21 Các chế phẩm ăn được khác; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm, trong đó:

– trọng lượng đơn lẻ của nguyên liệu thuộc Chương 4 không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm;

– trọng lượng đơn lẻ của đường không vượt quá 40% trọng lượng sản phẩm; và

– tổng trọng lượng đường và nguyên liệu thuộc Chương 4 không vượt quá 50% trọng lượng sản phẩm.

2103 Nước xốt và các chế phẩm làm nước xốt; đồ gia vị hỗn hợp và bột canh hỗn hợp; bột mịn và bột thô từ hạt mù tạt và mù tạt đã chế biến:
– nước xốt và các chế phẩm làm nước xốt; đồ gia vị hỗn hợp và bột canh hỗn hợp; và Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, có thể sử dụng nguyên liệu bột mịn và bột thô từ hạt mù tạt và mù tạt đã chế biến.
– bột mịn và bột thô từ hạt mù tạt và mù tạt đã chế biến Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào.
Chương 22 Đồ uống, rượu và giấm. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm và các Nhóm 2207 và 2208, trong đó:

– nguyên liệu từ các Phân nhóm 0806.10, 2009.61 và 2009.69 có xuất xứ thuần túy; và

– trọng lượng đơn lẻ của đường và các nguyên liệu thuộc Chương 4 không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm.

Ex Chương 23 Phế liệu và phế thải từ ngành công nghiệp thực phẩm; thức ăn gia súc đã chế biến; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
2302 và ex 2303 phế liệu từ quá trình sản xuất tinh bột; và Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm, trong đó trọng lượng nguyên liệu thuộc Chương 10 không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm.
2309 chế phẩm dùng trong chăn nuôi động vật. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm, trong đó:

– nguyên liệu thuộc Chương 2 và Chương 3 có xuất xứ thuần túy;

– trọng lượng nguyên liệu thuộc Chương 10 và Chương 11 và các Nhóm 2302 và 2303 không vượt quá 20% trọng lượng của sản phẩm;

– trọng lượng đơn lẻ của nguyên liệu thuộc Chương 4 không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm;

– trọng lượng đường không vượt quá 40% trọng lượng của sản phẩm; và

– tổng trọng lượng đường và nguyên liệu thuộc Chương 4 không vượt quá 50% trọng lượng sản phẩm.

Ex Chương 24 Thuốc lá và nguyên liệu thay thế thuốc lá đã chế biến, ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, trong đó trọng lượng nguyên liệu (không có xuất xứ) thuộc Chương 24 không vượt quá 30% tổng trọng lượng nguyên liệu Chương 24.
2401 lá thuốc lá chưa chế biến; phế liệu lá thuốc lá; và Nguyên liệu lá thuốc lá chưa chế biến và phế liệu thuốc lá thuộc Chương 24 có xuất xứ thuần túy.
Ex 2402 thuốc lá điếu, từ lá thuốc lá hoặc từ các chất thay thế lá thuốc lá. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm và lá thuốc lá để hút thuộc Phân nhóm 2403.19, trong đó ít nhất 10% trọng lượng nguyên liệu thuộc Chương 24 là lá thuốc lá chưa chế biến hoặc phế liệu lá thuốc lá thuộc Nhóm 2401 có xuất xứ thuần túy.
Ex Chương 25 Muối; lưu huỳnh; đất và đá; thạch cao, vôi và xi măng; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.
Ex 2519 magiê cacbonat tự nhiên đã nghiền (magiezit), trong các thùng chứa lớn, đóng kín, và magiê ôxít, tinh khiết hoặc không tinh khiết, trừ magiê ô xít nấu chảy hoặc magiê ô xít nung trơ (thiêu kết). Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, được phép sử dụng magiê cacbonat tự nhiên (magiezit).
Chương 26 Quặng, xỉ và tro. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
Ex Chương 27 Nhiên liệu khoáng, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất từ chúng; các chất chứa bi-tum; các loại sáp khoáng chất, ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Ex 2707 dầu có khối lượng cấu tử thơm lớn hơn cấu tử không thơm, các loại dầu tương tự

như các loại dầu khoáng sản thu được bằng cách chưng cất hắc ín than đá ở nhiệt độ cao, trong đó hơn 65% thể tích chưng cất ở nhiệt độ lên đến 250°C (kể cả hỗn hợp của sản phẩm chưng cất và benzene), để sử dụng như điện hoặc nhiên liệu nhiệt

Sản xuất bằng cách lọc dầu hoặc một hay nhiều công đoạn sản xuất cụ thể1; hoặc

sản xuất bằng các công đoạn khác, trong đó nguyên liệu được phân loại vào Nhóm khác với Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, có thể sử dụng nguyên liệu cùng Nhóm với sản phẩm với điều kiện tổng trị giá các nguyên liệu này không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

2710 dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ và các loại dầu thu được từ các khoáng bi-tum (trừ dầu thô); các chế phẩm chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác, có chứa hàm lượng từ 70% trở lên là dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ hoặc các loại dầu thu được từ các khoáng bi-tum, những loại dầu này là thành phần cơ bản của các chế phẩm đó; dầu thải; Sản xuất bằng cách lọc dầu hoặc một hay nhiều công đoạn sản xuất cụ thể2; hoặc

sản xuất bằng các công đoạn khác, trong đó nguyên liệu được phân loại vào Nhóm khác với Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, có thể sử dụng nguyên liệu cùng Nhóm với sản phẩm với điều kiện tổng trị giá các nguyên liệu này không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

2711 khí dầu mỏ và các loại khí hydrocarbon khác; Sản xuất bằng cách lọc dầu hoặc một hay nhiều công đoạn sản xuất cụ thể2; hoặc

sản xuất bằng các công đoạn khác, trong đó nguyên liệu được phân loại vào Nhóm khác với Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, có thể sử dụng nguyên liệu cùng Nhóm với sản phẩm với điều kiện tổng trị giá các nguyên liệu này không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

2712 vazơlin (petroleum jelly); sáp parafin, sáp dầu lửa vi tinh thể, sáp than cám, ozokerite, sáp than non, sáp than bùn, sáp khoáng khác, và sản phẩm tương tự thu được từ quy trình tổng hợp hay quy trình khác, đã hoặc chưa nhuộm màu; và Sản xuất bằng cách lọc dầu hoặc một hay nhiều công đoạn sản xuất cụ thể2; hoặc

sản xuất bằng các công đoạn khác, trong đó nguyên liệu được phân loại vào Nhóm khác với Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, có thể sử dụng nguyên liệu cùng Nhóm với sản phẩm với điều kiện tổng trị giá các nguyên liệu này không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

2713 cốc dầu mỏ, bi-tum dầu mỏ và các cặn khác từ dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ hoặc từ các loại dầu thu được từ các khoáng bi-tum. Sản xuất bằng cách lọc dầu hoặc một hay nhiều công đoạn sản xuất cụ thể1; hoặc

sản xuất bằng các công đoạn khác, trong đó nguyên liệu được phân loại vào Nhóm khác với Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, có thể sử dụng nguyên liệu cùng Nhóm với sản phẩm với điều kiện tổng trị giá các nguyên liệu này không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Chương 28 Hóa chất vô cơ; các hợp chất vô cơ hay hữu cơ của kim loại quý, kim loại đất hiếm, các nguyên tố phóng xạ hoặc các chất đồng vị. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, có thể sử dụng nguyên liệu cùng Nhóm với sản phẩm với điều kiện tổng trị giá các nguyên liệu này không vượt quá 20% giá xuất xưởng của sản phẩm; hoặc

Trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Chương 29 Hóa chất hữu cơ. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, có thể sử dụng nguyên liệu cùng Nhóm với sản phẩm với điều kiện tổng trị giá các nguyên liệu này không vượt quá 20% giá xuất xưởng của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Ex Chương 30 Dược phẩm. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào.
3004 thuốc (trừ các mặt hàng thuộc Nhóm 3002, 3005 hoặc 3006) gồm các sản phẩm đã hoặc chưa pha trộn dùng cho phòng bệnh hoặc chữa bệnh, đã được đóng gói theo liều lượng (kể cả các sản phẩm thuộc loại dùng để hấp thụ qua da) hoặc làm thành dạng nhất định hoặc đóng gói để bán lẻ. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Chương 31 Phân bón. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, có thể sử dụng nguyên liệu cùng Nhóm với sản phẩm với điều kiện tổng trị giá các nguyên liệu này không vượt quá 20% giá xuất xưởng của sản phẩm; hoặc trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.
Chương 32 Các chất chiết xuất làm thuốc nhuộm hoặc thuộc da; ta nanh và các chất dẫn xuất của chúng; thuốc nhuộm, thuốc màu và các chất màu khác; sơn và véc ni; chất gắn và các loại ma tít khác; các loại mực. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, có thể sử dụng nguyên liệu cùng Nhóm với sản phẩm với điều kiện tổng trị giá các nguyên liệu này không vượt quá 20% giá xuất xưởng của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Chương 33 Tinh dầu và các chất tựa nhựa; nước hoa, mỹ phẩm hoặc các chế phẩm dùng cho vệ sinh. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, có thể sử dụng nguyên liệu cùng Nhóm với sản phẩm với điều kiện tổng trị giá các nguyên liệu này không vượt quá 20% giá xuất xưởng của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Ex Chương 34 Xà phòng, các chất hữu cơ hoạt động bề mặt, các chế phẩm dùng để giặt, rửa, các chế phẩm bôi trơn, các loại sáp nhân tạo, sáp chế biến, các chế phẩm dùng để đánh bóng hoặc tẩy sạch, nến và các sản phẩm tương tự, bột nhão dùng làm hình mẫu, sáp dùng trong nha khoa và các chế phẩm dùng trong nha khoa có thành phần cơ bản là thạch cao, ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, có thể sử dụng nguyên liệu cùng Nhóm với sản phẩm với điều kiện tổng trị giá các nguyên liệu này không vượt quá 20% giá xuất xưởng của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Ex 3404 Sáp nhân tạo và sáp chế biến:
– với dẫn xuất cơ bản là parafin, sáp dầu, sáp thu được từ dầu bi-tum, sáp thô (sáp slack) hoặc sáp vảy (sáp scale). Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào
Ex Chương 35 Các chất chứa anbumin; các dạng tinh bột biến tính; keo hồ; enzim. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
3505 dextrin và các dạng tinh bột biến tính khác (ví dụ, tinh bột đã tiền gelatin hóa hoặc este hóa); các loại keo có thành phần chính là tinh bột, hoặc dextrin hoặc các dạng tinh bột biến tính khác. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, trong đó trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.
3506 keo đã điều chế và các chất dính đã điều chế khác, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác; các sản phẩm phù hợp dùng như keo hoặc các chất kết dính, đã đóng gói để bán lẻ như keo hoặc như các chất kết dính, trọng lượng tịnh không quá 1kg. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Chương 36 Chất nổ; các sản phẩm pháo; diêm; các hợp kim tự cháy; các chế phẩm dễ cháy khác. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, có thể sử dụng nguyên liệu cùng Nhóm với sản phẩm với điều kiện tổng trị giá các nguyên liệu này không vượt quá 20% giá xuất xưởng của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Chương 37 Vật liệu ảnh hoặc điện ảnh. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, có thể sử dụng nguyên liệu cùng Nhóm với sản phẩm với điều kiện tổng trị giá các nguyên liệu này không vượt quá 20% giá xuất xưởng của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Ex Chương 38 Các sản phẩm hóa chất khác; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, có thể sử dụng nguyên liệu cùng Nhóm với sản phẩm với điều kiện tổng trị giá các nguyên liệu này không vượt quá 20% giá xuất xưởng của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

382460 sorbitol trừ loại thuộc Phân nhóm 2905.44; và Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Phân nhóm nào, ngoại trừ Phân nhóm của sản phẩm và nguyên liệu thuộc Phân nhóm 2905.44. Tuy nhiên, có thể sử dụng nguyên liệu cùng Phân nhóm với sản phẩm với điều kiện tổng trị giá các nguyên liệu này không vượt quá 20% giá xuất xưởng của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Chương 39 Plastic và các sản phẩm bằng plastic. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, có thể sử dụng nguyên liệu cùng Nhóm với sản phẩm với điều kiện tổng trị giá các nguyên liệu này không vượt quá 20% giá xuất xưởng của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Ex Chương 40 Cao su và các sản phẩm bằng cao su; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

4012 Lốp loại bơm hơi đã qua sử dụng hoặc đắp lại, bằng cao su; lốp đặc hoặc nửa đặc, hoa lốp và lót vành, bằng cao su:
– lốp loại bơm hơi đắp lại, lốp đặc hoặc nửa đặc, bằng cao su; và Đắp lại từ lốp đã qua sử dụng.
– loại khác Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm 4011 và Nhóm 4012; hoặc trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.
Ex Chương 41 Da sống (trừ da lông) và da thuộc; ngoại trừ:  
4104 đến 4106 da thuộc hoặc da mộc, không có lông, đã hoặc chưa xẻ, nhưng chưa được gia công thêm; và Thuộc lại da đã thuộc hoặc da đã được chuẩn bị để thuộc của các Phân nhóm 4104.11, 4104.19, 4105.10, 4106.21, 4106.31 hoặc 4106.91; hoặc

sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.

4107, 4112, 4113 da thuộc đã được gia công thêm sau khi thuộc hoặc làm mộc. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ được sử dụng nguyên liệu thuộc các Phân nhóm 4104.41, 4104.49, 4105.30, 4106.22, 4106.32 và 4106.92 nếu thực hiện quá trình thuộc lại da từ da đã thuộc hoặc đã làm mộc ở trạng thái khô.
Chương 42 Các sản phẩm bằng da thuộc; yên cương và bộ yên cương; các mặt hàng du lịch, túi xách và các loại đồ chứa tương tự; các sản phẩm làm từ ruột động vật (trừ tơ từ ruột con tằm). Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Ex Chương 43 Da lông và da lông nhân tạo; các sản phẩm làm từ da lông và da lông nhân tạo; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

4302 da lông đã thuộc hoặc chuội (kể cả đầu, đuôi, bàn chân và các mẩu hoặc các mảnh cắt khác), đã hoặc chưa ghép nối (không có thêm các vật liệu phụ trợ khác) trừ loại thuộc Nhóm 4303; và Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
4303 hàng may mặc, đồ phụ trợ quần áo và các vật phẩm khác bằng da lông. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
Ex Chương 44 Gỗ và các mặt hàng bằng gỗ; than từ gỗ, ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Ex 4407 gỗ đã cưa hoặc xẻ theo chiều dọc, lạng hoặc bóc, có độ dầy trên 6 mm, đã bào, đánh giấy ráp hoặc ghép nối đầu; Bào, đánh giấy ráp hoặc ghép nối đầu.
Ex 4408 tấm gỗ để làm lớp mặt (kể cả những tấm thu được bằng cách lạng gỗ ghép) và để làm gỗ dán, có độ dày không quá 6 mm, đã được lạng, và gỗ được xẻ theo chiều dọc khác, đã được lạng hoặc bóc tách, có độ dày không quá 6 mm, đã bào, đánh giấy ráp hoặc ghép hoặc nối đầu; Lạng, bào, đánh giấy ráp hoặc ghép nối đầu.
Ex 4410 đến ex 4413 ván gỗ có hoa văn và gờ nổi làm viền, bao gồm cả gỗ viền chân tường và các loại có soi rãnh khác; Tạo gân, gờ dạng chuỗi hạt.
Ex 4415 Hòm, hộp, thùng thưa, thùng hình trống và các loại bao bì tương tự, bằng gỗ: Sản xuất từ các tấm khối chưa được cắt theo kích thước.
Ex 4418 – ván ghép và đồ mộc dùng trong xây dựng; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, được sử dụng panen có lõi xốp, ván ốp và ván lợp.
– ván gỗ có gân và gờ nổi làm viền; và Tạo gân, gờ dạng chuỗi hạt.
Ex 4421 thanh gỗ để làm diêm; móc gỗ hoặc ghim gỗ dùng cho giầy dép. Sản xuất từ gỗ thuộc bất kỳ Nhóm nào, trừ gỗ rút thuộc Nhóm 4409.
Chương 45 Lie và các sản phẩm bằng lie. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Chương 46 Sản phẩm làm từ rơm, có giấy hoặc từ các loại vật liệu tết bện khác; các sản phẩm bằng liễu gai và song mây. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Chương 47 Bột giấy từ gỗ hoặc từ nguyên liệu xơ xenlulo khác; giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa). Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Chương 48 Giấy và bìa; các sản phẩm làm bằng bột giấy, bằng giấy hoặc bằng bìa. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Chương 49 Sách, báo, tranh ảnh và các sản phẩm khác của công nghiệp in; các loại bản thảo viết bằng tay, đánh máy và sơ đồ. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Ex Chương 50 Tơ tằm; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
Ex 5003 phế liệu tơ tằm (kể cả kén không thích hợp để quay tơ, xơ sợi phế liệu và xơ sợi tái chế), đã chải thô hoặc chải kỹ; Chải thô hoặc chải kỹ từ phế liệu tơ tằm.
5004 đến ex 5006 sợi tơ tằm và sợi kéo từ phế liệu tơ tằm; và Kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc đùn thành xơ nhân tạo rồi kéo sợi hoặc xe sợi3
5007 vải dệt thoi dệt từ tơ tằm hoặc từ phế liệu tơ tằm: Kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc xơ staple nhân tạo hoặc đùn thành sợi filament nhân tạo hoặc xe sợi, rồi dệt thoi;

dệt thoi rồi nhuộm;

nhuộm sợi rồi dệt thoi; hoặc

thực hiện ít nhất hai công đoạn chuẩn bị hoặc hoàn thiện sản phẩm (như giặt, tẩy trắng, làm bóng, định hình bằng nhiệt, cào bông, cán vải, công đoạn chống co ngót, hoàn thiện không phục hồi, hấp xốp vải, ngâm tẩm, vá sửa và kiểm tra phân loại) rồi in, với điều kiện trị giá của vải chưa in không vượt quá 47,5% giá xuất xưởng của sản phẩm.3

Ex Chương 51 Lông cừu, lông động vật loại mịn hoặc loại thô; sợi từ lông đuôi hoặc bờm ngựa và vải dệt thoi từ các nguyên liệu trên; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
5106 đến 5110 sợi len lông cừu, lông động vật loại mịn hoặc loại thô từ lông đuôi hoặc bờm ngựa; và Kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc đùn thành xơ nhân tạo rồi kéo sợi.3
5111 đến 5113 vải dệt thoi từ sợi len lông cừu, lông động vật loại mịn hoặc loại thô từ lông đuôi hoặc bờm ngựa. Kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc xơ staple nhân tạo hoặc đùn thành sợi filament nhân tạo, rồi dệt thoi;

dệt thoi rồi nhuộm hoặc tráng phủ;

nhuộm sợi rồi dệt thoi; hoặc

thực hiện ít nhất hai công đoạn chuẩn bị hoặc hoàn thiện (như giặt, tẩy trắng, làm bóng, định hình bằng nhiệt, cào bông, cán vải, công đoạn chống co ngót, hoàn thiện không phục hồi, hấp xốp vải, ngâm tẩm, vá sửa và kiểm tra phân loại) rồi in, với điều kiện trị giá của vải chưa in không vượt quá 47,5% giá xuất xưởng của sản phẩm.3

Ex Chương 52 Bông; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
5204 đến 5207 sợi và chỉ khâu làm từ bông; và Kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc đùn thành xơ nhân tạo rồi kéo sợi.3
5208 đến 5212 vải dệt thoi từ sợi bông. Kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc xơ staple nhân tạo hoặc đùn thành sợi filament nhân tạo, rồi dệt thoi;

dệt thoi rồi nhuộm hoặc tráng phủ;

nhuộm sợi rồi dệt thoi; hoặc

thực hiện ít nhất hai công đoạn chuẩn bị hoặc hoàn thiện (như giặt, tẩy trắng, làm bóng, định hình bằng nhiệt, cào bông, cán vải, công đoạn chống co ngót, hoàn thiện không phục hồi, hấp xốp vải, ngâm tẩm, vá sửa và kiểm tra phân loại) rồi in, với điều kiện trị giá của vải chưa in không vượt quá 47,5% giá xuất xưởng của sản phẩm.3

Ex Chương 53 Xơ dệt gốc thực vật khác; sợi giấy và vải dệt thoi từ sợi giấy; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
5306 đến 5308 sợi từ các loại xơ dệt gốc thực vật khác; sợi giấy; và Kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc đùn thành xơ nhân tạo rồi kéo sợi.3
5309 đến 5311 vải dệt thoi từ các loại sợi dệt gốc thực vật khác; vải dệt thoi từ sợi giấy. Kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc xơ staple nhân tạo hoặc đùn thành sợi filament nhân tạo, rồi dệt thoi;

dệt thoi rồi nhuộm hoặc tráng phủ;

nhuộm sợi rồi dệt thoi; hoặc

thực hiện ít nhất hai công đoạn chuẩn bị hoặc hoàn thiện (như giặt, tẩy trắng, làm bóng, định hình bằng nhiệt, cào bông, cán vải, công đoạn chống co ngót, hoàn thiện không phục hồi, hấp xốp vải, ngâm tẩm, vá sửa và kiểm tra phân loại) rồi in, với điều kiện trị giá của vải chưa in không vượt quá 47,5% giá xuất xưởng của sản phẩm.3

5401 đến 5406 sợi, monofilament và chỉ khâu từ sợi filament nhân tạo. Đùn thành xơ nhân tạo rồi xe sợi hoặc kéo sợi từ xơ tự nhiên.3
5407 và 5408 vải dệt thoi từ sợi filament nhân tạo. Kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc xơ staple nhân tạo hoặc đùn thành sợi filament nhân tạo, rồi dệt thoi;

dệt thoi rồi nhuộm hoặc tráng phủ;

Xe sợi hoặc tạo dún (texturing) rồi dệt thoi với điều kiện trị giá của sợi chưa xe/chưa tạo dún (non-textured) không vượt quá 47,5% giá xuất xưởng của sản phẩm; hoặc

thực hiện ít nhất hai công đoạn chuẩn bị hoặc hoàn thiện (như giặt, tẩy trắng, làm bóng, định hình bằng nhiệt, cào bông, cán vải, công đoạn chống co ngót, hoàn thiện không phục hồi, hấp xốp vải, ngâm tẩm, vá sửa và kiểm tra phân loại) rồi in, với điều kiện trị giá của vải chưa in không vượt quá 47,5% giá xuất xưởng của sản phẩm.3

5501 đến 5507 xơ sợi staple nhân tạo. Đùn thành xơ nhân tạo.
5508 đến 5511 sợi và chỉ khâu làm từ xơ staple nhân tạo. Kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc đùn thành xơ nhân tạo rồi kéo sợi.3
5512 đến 5516 Vải dệt thoi từ xơ staple nhân tạo. Kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc xơ staple nhân tạo hoặc đùn thành sợi filament nhân tạo, rồi dệt thoi;

dệt thoi rồi nhuộm hoặc tráng phủ;

nhuộm sợi rồi dệt thoi; hoặc

thực hiện ít nhất hai công đoạn chuẩn bị hoặc hoàn thiện (như giặt, tẩy trắng, làm bóng, định hình bằng nhiệt, cào bông, cán vải, công đoạn chống co ngót, hoàn thiện không phục hồi, hấp xốp vải, ngâm tẩm, vá sửa và kiểm tra phân loại) rồi in, với điều kiện trị giá của vải chưa in không vượt quá 47,5% giá xuất xưởng của sản phẩm.3

Ex Chương 56 Mền xơ, phớt và các sản phẩm không dệt; các loại sợi đặc biệt; sợi xe, chão bện (cordage), thừng và cáp và các sản phẩm của chúng; ngoại trừ: Đùn thành xơ nhân tạo rồi kéo sợi hoặc kéo sợi từ xơ tự nhiên; hoặc phủ xơ vụn/cấy nhung rồi nhuộm hoặc in.3
5602 phớt, nỉ đã hoặc chưa ngâm tẩm, tráng, phủ hoặc ép lớp:
– phớt, nỉ xuyên kim; và Đùn thành xơ nhân tạo rồi tạo thành vải. Tuy nhiên, được sử dụng:

– sợi filement từ polypropylene thuộc Nhóm 5402;

– xơ polypropylene thuộc Nhóm 5503 hoặc 5506; hoặc

– tô filament từ polypropylene thuộc Nhóm 5501;

trong đó xơ hoặc sợi filament đơn trong mọi trường hợp có chi số nhỏ hơn 9 decitex, với điều kiện tổng trị giá các nguyên liệu này không vượt quá 40% giá xuất xưởng của sản phẩm; hoặc

chỉ cần tạo thành vải trong trường hợp phớt, nỉ được làm từ xơ tự nhiên.3

– loại khác; Đùn thành xơ nhân tạo rồi tạo thành vải. chỉ cần tạo thành vải trong trường hợp phớt, nỉ được làm từ xơ tự nhiên.3
5603 các sản phẩm không dệt, đã hoặc chưa ngâm tẩm, tráng phủ hoặc ép lớp; Đùn thành xơ nhân tạo hoặc sử dụng xơ tự nhiên, rồi sản xuất bằng kỹ thuật không dệt bao gồm xuyên kim.
5604 chỉ cao su và sợi (cord) cao su, được bọc bằng vật liệu dệt; sợi dệt, và dải và dạng tương tự thuộc Nhóm 5404 hoặc 5405, đã ngâm tẩm, tráng, phủ hoặc bao ngoài bằng cao su hoặc plastic:
– chỉ cao su và sợi (cord) cao su, được bọc bằng vật liệu dệt; và Sản xuất từ chỉ và dây (cord) cao su, chưa được bọc bằng vật liệu dệt.
– loại khác; Đùn thành xơ nhân tạo rồi xe sợi hoặc kéo sợi từ xơ tự nhiên.3
5605 sợi trộn kim loại, có hoặc không quấn bọc, là loại sợi dệt hoặc dải hoặc dạng tương tự thuộc Nhóm 5404 hoặc 5405, được kết hợp với kim loại ở dạng dây, dải hoặc bột hoặc phủ bằng kim loại; và Đùn thành xơ nhân tạo rồi xe sợi hoặc kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc xơ staple nhân tạo.3
5606 sợi cuốn bọc, và sợi dạng dải và các dạng tương tự thuộc Nhóm 5404 hoặc 5405, đã quấn bọc (trừ các loại thuộc Nhóm 5605 và sợi quấn bọc lông bờm ngựa); sợi sơnin (chenille) (kể cả sợi sơnin xù); sợi sùi vòng. Đùn thành xơ nhân tạo rồi kéo sợi hoặc kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc xơ staple nhân tạo;

kéo sợi rồi phủ xơ vụn/cấy nhung; hoặc phủ xơ vụn/cấy nhung rồi nhuộm.3

Chương 57 Thảm và các loại hàng dệt trải sàn khác. Kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc xơ staple nhân tạo hoặc đùn thành sợi filament nhân tạo, rồi dệt thành sản phẩm;

sản xuất từ sợi xơ dừa hoặc sợi xizan hoặc sợi đay;

Phủ xơ vụn/cấy nhung rồi nhuộm hoặc in; hoặc chần (thảm) rồi nhuộm hoặc in.

Đùn thành xơ nhân tạo rồi sản xuất bằng kỹ thuật không dệt bao gồm xuyên kim;3

Tuy nhiên, được sử dụng:

– sợi filement từ polypropylene thuộc Nhóm 5402;

– xơ polypropylene thuộc Nhóm 5503 hoặc 5506, hoặc

– tô filament từ polypropylene thuộc Nhóm 5501,

trong đó xơ hoặc sợi filament đơn trong mọi trường hợp có chi số nhỏ hơn 9 decitex, với điều kiện tổng trị giá nguyên liệu nói trên không vượt quá 40% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Được sử dụng vải đay làm vải nền.

Ex Chương 58 Các loại vải dệt thoi đặc biệt; các loại vải dệt chần sợi vòng; hàng ren; thảm trang trí; hàng trang trí; hàng thêu; ngoại trừ: Kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc xơ staple nhân tạo hoặc đùn thành sợi filament nhân tạo, rồi dệt thoi;

dệt thoi rồi nhuộm hoặc phủ xơ vụn/cấy nhung hoặc tráng phủ; phủ xơ vụn/cấy nhung rồi nhuộm hoặc in;

nhuộm sợi rồi dệt thoi; hoặc

thực hiện ít nhất hai công đoạn chuẩn bị hoặc hoàn thiện (như giặt, tẩy trắng, làm bóng, định hình bằng nhiệt, cào bông, cán vải, công đoạn chống co ngót, hoàn thiện không phục hồi, hấp xốp vải, ngâm tẩm, vá sửa và kiểm tra phân loại) rồi in, với điều kiện trị giá của vải chưa in không vượt quá 47,5% giá xuất xưởng của sản phẩm.3

5805 thảm trang trí dệt thủ công theo kiểu Gobelins, Flanders, Aubusson, Beauvais và các kiểu tương tự, và các loại thảm trang trí thêu tay (ví dụ thêu mũi nhỏ, thêu chữ thập), đã hoặc chưa hoàn thiện; và Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
5810 hàng thêu dạng chiếc, dạng dải hoặc dạng theo mẫu hoa văn. trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.
5901 vải dệt được tráng keo hoặc hồ tinh bột, dùng để bọc ngoài bìa sách hoặc loại tương tự; vải can; vải bạt đã xử lý để vẽ; vải hồ cứng và các loại vải dệt đã được làm cứng tương tự để làm cốt mũ. Dệt thoi rồi nhuộm hoặc phủ xơ vụn/cấy nhung hoặc tráng phủ; hoặc phủ xơ vụn/cấy nhung rồi nhuộm hoặc in.
5902 Vải mành dùng làm lốp từ sợi có độ bền cao từ ni lông hoặc các polyamit khác, các polyeste hoặc tơ nhân tạo vitcô:  
– chứa không quá 90% tính theo trọng lượng các vật liệu dệt Dệt thoi
– loại khác Đùn thành xơ nhân tạo rồi dệt thoi.
5903 vải dệt đã được ngâm tẩm, tráng, phủ hoặc ép với plastic, trừ các loại thuộc Nhóm 5902. Dệt thoi rồi nhuộm hoặc tráng phủ; hoặc thực hiện ít nhất hai công đoạn chuẩn bị hoặc hoàn thiện (như giặt, tẩy trắng, làm bóng, định hình bằng nhiệt, cào bông, cán vải, công đoạn chống co ngót, hoàn thiện không phục hồi, hấp xốp vải, ngâm tẩm, vá sửa và kiểm tra phân loại) rồi in, với điều kiện trị giá của vải chưa in không vượt quá 47,5% giá xuất xưởng của sản phẩm.
5904 vải sơn, đã hoặc chưa cắt theo hình; các loại trải sàn có một lớp tráng hoặc phủ gắn trên lớp bồi là vật liệu dệt, đã hoặc chưa cắt thành hình. Dệt thoi rồi nhuộm hoặc tráng phủ.3
5905 Các loại vải dệt phủ tường:  
– được ngâm tẩm, tráng, phủ hoặc ép bằng cao su, plastic hoặc các vật liệu khác Dệt thoi rồi nhuộm hoặc tráng phủ.
– loại khác Kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc xơ staple nhân tạo hoặc đùn thành sợi filament nhân tạo, rồi dệt thoi;

dệt thoi rồi nhuộm hoặc tráng phủ; hoặc

thực hiện ít nhất hai công đoạn chuẩn bị hoặc hoàn thiện (như giặt, tẩy trắng, làm bóng, định hình bằng nhiệt, cào bông, cán vải, công đoạn chống co ngót, hoàn thiện không phục hồi, hấp xốp vải, ngâm tẩm, vá sửa và kiểm tra phân loại) rồi in, với điều kiện trị giá của vải chưa in không vượt quá 47,5% giá xuất xưởng của sản phẩm.3

5906 Vải dệt cao su hoá, trừ các loại thuộc Nhóm 5902:  
– vải dệt kim hoặc vải móc;

 

Kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc xơ staple nhân tạo hoặc đùn thành sợi filament nhân tạo, rồi dệt kim;

dệt kim rồi nhuộm hoặc tráng phủ; hoặc

nhuộm sợi được kéo từ xơ tự nhiên rồi dệt kim.3

– các loại vải khác được làm từ sợi filament tổng hợp, chứa trên 90% tính theo trọng lượng vật liệu dệt; và Đùn thành xơ nhân tạo rồi dệt thoi.
– loại khác. Dệt thoi rồi nhuộm hoặc tráng phủ; hoặc nhuộm sợi được kéo từ xơ tự nhiên rồi dệt thoi.
5907 các loại vải dệt được ngâm tẩm, tráng hoặc phủ bằng cách khác; bạt đã vẽ làm phông màn cho sân khấu, phông trường quay hoặc loại tương tự. Dệt vải rồi nhuộm hoặc phủ xơ vụn/cấy nhung hoặc tráng phủ;

phủ xơ vụn/cấy nhung rồi nhuộm hoặc in; hoặc

thực hiện ít nhất hai công đoạn chuẩn bị hoặc hoàn thiện (như giặt, tẩy trắng, làm bóng, định hình bằng nhiệt, cào bông, cán vải, công đoạn chống co ngót, hoàn thiện không phục hồi, hấp xốp vải, ngâm tẩm, vá sửa và kiểm tra phân loại) rồi in, với điều kiện trị giá của vải chưa in không vượt quá 47,5% giá xuất xưởng của sản phẩm3.

5908 Các loại bấc dệt thoi, kết, tết hoặc dệt kim, dùng cho đèn, bếp dầu, bật lửa, nến hoặc loại tương tự; mạng đèn măng xông và các loại vải dệt kim hình ống dùng làm mạng đèn măng xông, đã hoặc chưa ngâm tẩm:
– mạng đèn măng xông, đã được ngâm tẩm; và Sản xuất từ vải dệt kim hình ống dùng làm mạng đèn măng xông.
– loại khác Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
5909 đến 5911 Các sản phẩm dệt may phù hợp với mục đích sử dụng công nghiệp:
– vòng tròn hoặc đĩa mài bóng, trừ phớt nỉ của Nhóm 5911; Dệt thoi
  – vải dệt thoi, thường được sử dụng trong ngành làm giấy hoặc mục đích kỹ thuật khác, đã hoặc chưa tạo phớt, có hoặc không ngâm tẩm hoặc tráng, có hình ống hoặc không giới hạn với sợi ngang và/hoặc sợi dọc đơn hoặc xe, hoặc dệt nhiều lớp với sợi ngang và/hoặc sợi dọc xe của Nhóm 5911; và Đùn thành xơ nhân tạo hoặc kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc xơ staple nhân tạo, rồi dệt thoi; hoặc dệt thoi rồi nhuộm hoặc tráng, phủ.

Chỉ được sử dụng các loại xơ sợi sau:

– sợi dừa;

– sợi polytetrafluoroethylene4;

– sợi xe từ polyamit, đã được tráng, ngâm tẩm hoặc phủ với nhựa phenolic;

– sợi làm từ các loại xơ dệt tổng hợp của polyamit thơm, thu được bằng cách đa trùng ngưng m-phenylenediamine và axit isophthalic;

– sợi đơn từ polytetrafluoroethylene4;

– sợi từ xơ dệt tổng hợp của poly(p- phenylene terephthalamide);

– sợi thủy tinh, được tráng với nhựa phenol và quấn với sợi acrylic4; và

– sợi monofilaments co-polyeste làm từ polyeste và nhựa của axit terephthalic và 1,4-cyclohexanediethanol và axit isophthalic.

– loại khác Đùn thành xơ nhân tạo hoặc kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc xơ staple nhân tạo, rồi dệt thoi3; hoặc

dệt thoi rồi nhuộm hoặc tráng, phủ.

Chương 60 Các loại hàng dệt kim hoặc móc. Kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc xơ staple nhân tạo hoặc đùn thành sợi filament nhân tạo, rồi dệt kim; dệt kim rồi nhuộm hoặc tráng phủ;

Dệt kim rồi nhuộm hoặc phủ xơ vụn/cấy nhung hoặc tráng phủ;

Phủ xơ vụn/cấy nhung rồi nhuộm hoặc in;

nhuộm sợi được kéo từ xơ tự nhiên rồi dệt kim; hoặc

xe sợi hoặc tạo dún (texturing) rồi dệt kim, với điều kiện trị giá của sợi chưa xe/chưa tạo dún (non-textured) không vượt quá 47,5% giá xuất xưởng của sản phẩm.3

Chương 61 Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc:  
  – thu được bằng việc may hoặc ghép nối hai hoặc nhiều hơn mảnh vải dệt kim hoặc móc đã được cắt tạo hình hoặc thu được trực tiếp để tạo hình. Dệt kim rồi may (bao gồm công đoạn cắt)3,5
– loại khác Kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc xơ staple nhân tạo hoặc đùn thành sợi filament nhân tạo, rồi dệt kim (dệt tạo hình sản phẩm); hoặc

nhuộm sợi được kéo từ xơ tự nhiên rồi dệt kim (dệt tạo hình sản phẩm).3

Ex Chương 62 Quần áo và các hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc; ngoại trừ: Dệt thoi rồi may (bao gồm công đoạn cắt); hoặc

thực hiện ít nhất hai công đoạn chuẩn bị hoặc hoàn thiện (như giặt, tẩy trắng, làm bóng, định hình bằng nhiệt, cào bông, cán vải, công đoạn chống co ngót, hoàn thiện không phục hồi, hấp xốp vải, ngâm tẩm, vá sửa và kiểm tra phân loại) rồi in, với điều kiện trị giá của vải chưa in không vượt quá 47,5% giá xuất xưởng của sản phẩm.3,5

Ex 6202, ex 6204, ex 6206, ex 6209 và ex 6211 quần áo cho phụ nữ, trẻ em gái và trẻ em và phụ kiện may mặc cho trẻ em, đã thêu; Dệt thoi rồi may (bao gồm công đoạn cắt); hoặc

sản xuất từ vải chưa thêu, với điều kiện trị giá của phần vải chưa thêu không vượt quá 40% giá xuất xưởng của sản phẩm.5

Ex 6210 và ex 6216 thiết bị chống cháy làm từ vải được phủ một lớp lá từ polyeste phủ nhôm; Dệt thoi rồi may (bao gồm công đoạn cắt); hoặc

tráng phủ vải rồi may (bao gồm công đoạn cắt), với điều kiện trị giá của vải chưa tráng phủ không vượt quá 40% giá xuất xưởng của sản phẩm.5

6213 và 6214 khăn tay và khăn vuông nhỏ quàng cổ, khăn san, khăn choàng vai, khăn quàng cổ, khăn choàng rộng đội đầu và choàng vai, mạng che mặt và các loại tương tự:  
  – đã thêu; và Dệt thoi rồi may (bao gồm công đoạn cắt); sản xuất từ vải chưa thêu, với điều kiện trị giá của phần vải chưa thêu không vượt quá 40% giá xuất xưởng của sản phẩm;5 hoặc

thực hiện ít nhất hai công đoạn chuẩn bị hoặc hoàn thiện (như giặt, tẩy trắng, làm bóng, định hình bằng nhiệt, cào bông, cán vải, công đoạn chống co ngót, hoàn thiện không phục hồi, hấp xốp vải, ngâm tẩm, vá sửa và kiểm tra phân loại) rồi in, với điều kiện trị giá của vải chưa in không vượt quá 47,5% giá xuất xưởng của sản phẩm.3,5

– loại khác; và Dệt thoi rồi may (bao gồm công đoạn cắt); hoặc

thực hiện ít nhất hai công đoạn chuẩn bị hoặc hoàn thiện (như giặt, tẩy trắng, làm bóng, định hình bằng nhiệt, cào bông, cán vải, công đoạn chống co ngót, hoàn thiện không phục hồi, hấp xốp vải, ngâm tẩm, vá sửa và kiểm tra phân loại) rồi in, với điều kiện trị giá của vải chưa in không vượt quá 47,5% giá xuất xưởng của sản phẩm.3,5

6217 hàng may mặc phụ trợ đã hoàn chỉnh khác; các chi tiết của quần áo hoặc của hàng may mặc phụ trợ, trừ các loại thuộc Nhóm 6212:
– đã thêu; Dệt thoi rồi may (bao gồm công đoạn cắt); hoặc

sản xuất từ vải chưa thêu, với điều kiện trị giá của phần vải chưa thêu không vượt quá 40% giá xuất xưởng của sản phẩm5

– thiết bị chống cháy làm từ vải được phủ một lớp lá từ polyeste phủ nhôm; Dệt thoi rồi may (bao gồm công đoạn cắt); hoặc

tráng phủ vải rồi may (bao gồm công đoạn cắt), với điều kiện trị giá của vải chưa tráng phủ không vượt quá 40% giá xuất xưởng của sản phẩm.5

– vải lót dùng cho cổ áo và cổ tay áo, đã được cắt ra; và Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm, trong đó trị giá nguyên liệu không vượt quá 40% giá xuất xưởng của sản phẩm.
– loại khác. Dệt thoi rồi may (bao gồm công đoạn cắt).5
Ex Chương 63 Các mặt hàng dệt đã hoàn thiện khác; bộ vải; quần áo dệt và các loại hàng dệt đã qua sử dụng khác; vải vụn; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
6301 đến 6304 chăn, chăn du lịch, khăn trải giường và khăn trải khác; màn che và tương tự; các sản phẩm trang trí nội thất khác:
– từ phớt, từ vải không dệt; và Đùn thành xơ nhân tạo hoặc sử dụng xơ tự nhiên, rồi sản xuất vải không dệt (bao gồm xuyên kim) và may (bao gồm công đoạn cắt).3
– loại khác:  
– – đã thêu; và Dệt thoi hoặc dệt kim rồi may (bao gồm công đoạn cắt); hoặc

sản xuất từ vải chưa thêu (ngoại trừ vải dệt kim hoặc móc), với điều kiện trị giá của vải chưa thêu không vượt quá 40% giá xuất xưởng của sản phẩm.5,6

– – loại khác; Dệt thoi hoặc dệt kim rồi may (bao gồm công đoạn cắt).
6305 bao và túi, loại dùng để đóng, gói hàng; Đùn thành xơ nhân tạo hoặc kéo sợi từ xơ tự nhiên và/hoặc xơ staple nhân tạo rồi dệt thoi hoặc dệt kim và may (bao gồm công đoạn cắt).3
6306 tấm vải chống thấm nước, tấm hiên và tấm che nắng; tăng; buồm cho tàu thuyền, ván lướt hoặc ván lướt cát; các sản phẩm dùng cho cắm trại:
– từ vải không dệt; và Đùn thành xơ nhân tạo hoặc sử dụng xơ tự nhiên, rồi sản xuất bằng kỹ thuật không dệt, bao gồm xuyên kim.
– loại khác; Dệt thoi rồi may (bao gồm công đoạn cắt);3,5 hoặc

tráng phủ vải rồi may (bao gồm công đoạn cắt), với điều kiện trị giá của vải chưa tráng phủ không vượt quá 40% giá xuất xưởng của sản phẩm.

6307 các mặt hàng đã hoàn thiện khác, kể cả mẫu cắt may; và Trị giá nguyên liệu không vượt quá 40% giá xuất xưởng của sản phẩm.
6308 bộ vải bao gồm vải và chỉ, có hoặc không có phụ kiện, dùng để làm chăn, thảm trang trí, khăn trải bàn hoặc khăn ăn đã thêu, hoặc các sản phẩm dệt tương tự, đóng gói sẵn để bán lẻ. Mỗi sản phẩm trong bộ sản phẩm phải đáp ứng quy tắc xuất xứ áp dụng cho riêng sản phẩm đó. Tuy nhiên, có thể kết hợp các sản phẩm không có xuất xứ vào bộ sản phẩm, với điều kiện tổng trị giá của các sản phẩm không có xuất xứ không vượt quá 15% giá xuất xưởng của bộ sản phẩm.
Ex Chương 64 Giày, dép, ghệt và các sản phẩm tương tự; các bộ phận của các sản phẩm trên, ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ ghép mũ giày đã gắn với đế trong trong hoặc với bộ phận đế khác thuộc Nhóm 6406.
6406 các bộ phận của giày, dép (kể cả mũi giày đã hoặc chưa gắn đế trừ đế ngoài); miếng lót của giày, dép có thể tháo rời, gót giày và các sản phẩm tương tự; ghệt, quần ôm sát chân và các sản phẩm tương tự, và các bộ phận của chúng. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
Chương 65 Mũ và các vật đội đầu khác và các bộ phận của chúng. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
Chương 66 Ô, dù che, ba toong, gậy tay cầm có thể chuyển thành ghế, roi, gậy điều khiển, roi điều khiển súc vật thồ kéo và các bộ phận của các sản phẩm trên. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Chương 67 Lông vũ và lông tơ chế biến, các sản phẩm bằng lông vũ hoặc lông tơ; hoa nhân tạo; các sản phẩm làm từ tóc người. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
Ex Chương 68 Sản phẩm làm bằng đá, thạch cao, xi măng, amiăng, mica hoặc các vật liệu tương tự, ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Ex 6803 các sản phẩm làm bằng đá phiến hoặc làm bằng đá phiến kết khối; Sản xuất từ đá phiến đã gia công.
Ex 6812 các sản phẩm làm từ amiăng; các sản phẩm làm từ hỗn hợp với thành phần cơ bản là amiăng hoặc hỗn hợp với thành phần chính là amiăng và magie carbonat; và Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào
Ex 6814 các sản phẩm làm từ mica, kể cả mica đã được liên kết khối hoặc tái chế, có lớp nền bằng giấy, bìa hoặc các vật liệu khác. Sản xuất từ mica đã gia công (bao gồm mica đã được liên kết khối hoặc tái chế).
Chương 69 Đồ gốm, sứ. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Ex Chương 70 Thuỷ tinh và các sản phẩm bằng thuỷ tinh, ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

7010 bình lớn có vỏ bọc ngoài, chai, bình thót cổ, lọ, ống, ống đựng thuốc tiêm và các loại đồ chứa khác, bằng thủy tinh, dùng trong vận chuyển hoặc đóng hàng; lọ, bình bảo quản bằng thủy tinh; nút chai, nắp đậy và các loại nắp khác, bằng thủy tinh; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

cắt từ các sản phẩm bằng thuỷ tinh, với điều kiện tổng trị giá của các sản phẩm thuỷ tinh chưa cắt không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

7013 bộ đồ ăn, đồ nhà bếp, đồ vệ sinh, đồ dùng văn phòng, đồ trang trí nội thất hoặc đồ dùng cho các mục đích tương tự bằng thủy tinh (trừ các sản phẩm thuộc Nhóm 7010 hoặc 7018); và Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm;

cắt từ các sản phẩm bằng thuỷ tinh, với điều kiện tổng trị giá của sản phẩm thuỷ tinh chưa cắt không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm; hoặc

trang trí thủ công (trừ in lưới) các sản phẩm thủy tinh thổi thủ công, với điều kiện tổng trị giá của sản phẩm thủy tinh thổi thủ công không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

7019 sợi thủy tinh (kể cả len thủy tinh) và các sản phẩm của nó (ví dụ sợi, vải dệt). Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Ex Chương 71 Ngọc trai tự nhiên hoặc nuôi cấy, đá quý hoặc đá bán quý, kim loại quý, kim loại được dát phủ kim loại quý, và các sản phẩm của chúng; đồ trang sức làm bằng chất liệu khác; tiền kim loại, ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

7106, 7108 và 7110 kim loại quý:  
– chưa gia công; và Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm 7106, Nhóm 7108 và Nhóm 7110;

điện phân, nhiệt luyện hoặc tách bằng hoá chất các kim loại quý thuộc Nhóm 7106, Nhóm 7108 hoặc Nhóm 7110; hoặc

nấu chảy hoặc tạo hợp kim của các kim loại quý thuộc Nhóm 7106, Nhóm 7108 hoặc Nhóm 7110 với nhau hoặc với kim loại cơ bản.

– dạng bán thành phẩm hoặc dạng bột; và Sản xuất từ kim loại quý chưa gia công.
7117 đồ trang sức làm bằng chất liệu khác. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

sản xuất từ các bộ phận làm từ kim loại cơ bản, chưa được mạ hoặc phủ kim loại quý, với điều kiện trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Ex Chương 72 Sắt và thép; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
7207 sắt hoặc thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc các Nhóm 7201, 7202, 7203, 7204 hoặc 7205.
7208 đến 7214 các sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim được cán phẳng, dạng thanh và que; Sản xuất từ nguyên liệu dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác hoặc bán thành phẩm thuộc Nhóm 7206 hoặc 7207.
7215 và 7216 sắt hoặc thép không hợp kim ở dạng thanh và que khác; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm và Nhóm 7206 và 7207; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

7217 dây của sắt hoặc thép không hợp kim; Sản xuất từ bán thành phẩm thuộc Nhóm 7207.
721891 và 721899 bán thành phẩm của thép không gỉ; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc các Nhóm 7201, 7202, 7203, 7204, 7205 hoặc Phân nhóm 7218.10.
7219 đến 7222 các sản phẩm của thép không gỉ cán phẳng, dạng thanh và que, dạng góc, khôn và hình thức của thép không gỉ; Sản xuất từ nguyên liệu dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác hoặc bán thành phẩm thuộc Nhóm 7218.
7223 dây thép không gỉ; Sản xuất từ bán thành phẩm thuộc Nhóm 7218.
7224 90 các bán thành phẩm bằng thép hợp kim khác; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc các Nhóm 7201, 7202, 7203, 7204, 7205 hoặc Phân nhóm 7224.10.
7225 đến 7228 sản phẩm được cán phẳng, các dạng thanh và que được cán nóng, dạng cuộn không đều; các dạng góc, khuôn và hình, bằng thép hợp kim khác; thanh và que rỗng, bằng thép hợp kim hoặc không hợp kim; và Sản xuất từ dạng thỏi đúc hoặc các dạng thô khác hoặc bán thành phẩm thuộc các Nhóm 7206, 7207, 7218 hoặc 7224.
7229 dây thép hợp kim khác. Sản xuất từ bán thành phẩm thuộc Nhóm 7224.
Ex Chương 73 Các sản phẩm bằng sắt hoặc thép; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
Ex 7301 cọc cừ; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc Nhóm 7206.
7302 vật liệu xây dựng đường ray xe lửa hoặc xe điện bằng sắt hoặc thép, như: ray, ray dẫn hướng và ray có răng, lưỡi ghi, ghi chéo (cóc đường ray), cần bẻ ghi và các đoạn nối chéo khác, tà vẹt (dầm ngang), thanh nối ray, gối ray, tấm đệm ray, tấm xiết (kẹp ray), thanh chống xô, bệ đỡ (bedplate) và vật liệu chuyên dùng khác cho việc ghép hoặc định vị đường ray; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc Nhóm 7206.
7304 và 7305 các loại ống, ống dẫn và thanh hình có mặt cắt rỗng, không nối, bằng sắt (trừ gang đúc) hoặc thép; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc các Nhóm 7206, 7207, 7208, 7209, 7210, 7212, 7218, 7219, 7220 hoặc 7224.
7306 các loại ống, ống dẫn và thanh hình có mặt cắt rỗng khác, bằng sắt hoặc thép (ví dụ, nối mở, hàn, tán đinh hoặc ghép bằng cách tương tự); Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Chương nào, ngoại trừ Chương của sản phẩm.
Ex 7307 phụ kiện ghép nối cho ống và ống dẫn bằng thép không gỉ (theo tiêu chuẩn ISO số X5CrNiMo 1712), bao gồm các bộ phận; và Tiện, khoan, doa, cắt ren, mài nhẵn và phun cát phối thép, với điều kiện tổng trị giá của phối thép không vượt quá 35% giá xuất xưởng của sản phẩm.
7308 các kết cấu bằng sắt hoặc thép (trừ nhà lắp ghép thuộc Nhóm 9406) và các bộ phận rời của các kết cấu (ví dụ cầu và nhịp cầu, cửa cống, tháp, cột lưới, mái nhà, khung mái, cửa ra vào, cửa sổ, và các loại khung cửa, ngưỡng cửa ra vào, cửa chớp, lan can, cột trụ và các loại cột khác), bằng sắt hoặc thép; tấm, thanh, góc, khuôn, hình ống và các loại tương tự, đã được gia công để dùng làm kết cấu xây dựng, bằng sắt hoặc thép. Sản xuất từ nguyên liệu từ bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, không được sử dụng thép hàn ở dạng góc, khuôn và dạng hình thuộc Nhóm 7301.
Ex Chương 74 Đồng và các sản phẩm bằng đồng; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
7408 dây đồng; và Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm và Nhóm 7407.
7413 dây bện tao, cáp, dây tết và các loại tương tự, bằng đồng, chưa được cách điện. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm và Nhóm 7408.
Chương 75 Niken và các sản phẩm bằng niken. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
Ex Chương 76 Nhôm và các sản phẩm bằng nhôm, ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
7601 nhôm chưa gia công; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào
7605 dây nhôm; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm và Nhóm 7604.
7607 nhôm lá mỏng (đã hoặc chưa ép hoặc bồi trên giấy, bìa, plastic hoặc vật liệu bồi tương tự) có chiều dày (trừ phần bồi) không quá 0,2 mm; và Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm và Nhóm 7606.
7614 dây bện tao, cáp, băng tết và các loại tương tự, bằng nhôm, chưa cách điện. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm và Nhóm 7605.
Chương 78 Chì và các sản phẩm bằng chì. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
Chương 79 Kẽm và các sản phẩm bằng kẽm. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
Ex Chương 80 Thiếc và các sản phẩm bằng thiếc, ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.
8007 các sản phẩm khác bằng thiếc. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Chương 81 Kim loại cơ bản khác; gốm kim loại; các sản phẩm của chúng. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào
Ex Chương 82 Dụng cụ, đồ nghề, dao, kéo và bộ đồ ăn làm từ kim loại cơ bản; các bộ phận của chúng làm từ kim loại cơ bản; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

8206 bộ dụng cụ từ hai Nhóm trở lên thuộc các Nhóm từ 8202 đến 8205, đã đóng bộ để bán lẻ. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ các Nhóm từ 8202 đến 8205. Tuy nhiên, được kết hợp dụng cụ thuộc các Nhóm từ 8202 đến 8205 thành bộ sản phẩm, với điều kiện tổng trị giá của các dụng cụ này không vượt quá 15% giá xuất xưởng của bộ sản phẩm.
Chương 83 Hàng tạp hoá làm từ kim loại cơ bản. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Ex Chương 84 Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

8401 lò phản ứng hạt nhân; các bộ phận chứa nhiên liệu (cartridges), không bị bức xạ, dùng cho các lò phản ứng hạt nhân; máy và thiết bị để tách chất đồng vị; Trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.
8407 động cơ đốt trong kiểu piston chuyển động tịnh tiến hoặc kiểu piston chuyển động quay tròn, đốt cháy bằng tia lửa điện; Trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.
8408 động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng sức nén (diesel hoặc bán diesel); Trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.
8419 máy, thiết bị dùng cho công xưởng hoặc cho phòng thí nghiệm, gia nhiệt bằng điện hoặc không bằng điện (trừ lò nấu luyện, lò nung sấy và các thiết bị khác thuộc Nhóm 8514) để xử lý các loại vật liệu bằng quá trình thay đổi nhiệt như làm nóng, nấu, rang, chưng cất, tinh cất, sát trùng, thanh trùng, phun hơi nước, sấy, làm bay hơi, làm khô, cô đặc hoặc làm mát trừ các loại máy hoặc thiết bị dùng cho gia đình; bình đun nước nóng ngay hoặc bình chứa nước nóng, không dùng điện; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Phân nhóm nào, ngoại trừ Phân nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

8427 xe nâng hạ xếp tầng hàng bằng cơ cấu càng nâng; các loại xe công xưởng khác có lắp thiết bị nâng hạ hoặc xếp hàng; Trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.
8443 31 máy kết hợp hai hoặc nhiều chức năng in, copy hoặc fax, có khả năng kết nối với máy xử lý dữ liệu tự động hoặc kết nối mạng; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Phân nhóm nào, ngoại trừ Phân nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

8481 vòi, van và các thiết bị tương tự dùng cho đường ống, thân nồi hơi, bể chứa hay các loại tương tự, kể cả van giảm áp và van điều chỉnh bằng nhiệt; và Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Phân nhóm nào, ngoại trừ Phân nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

8482 ổ bi hoặc ổ đũa. Trị giá nguyên liệu không vượt quá 40% giá xuất xưởng của sản phẩm.
Ex Chương 85 Máy điện và thiết bị điện và các bộ phận của chúng; máy ghi và tái tạo âm thanh, máy ghi và tái tạo hình ảnh và âm thanh truyền hình, bộ phận và phụ kiện của các loại máy trên; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

8501, 8502 động cơ điện và máy phát điện; Tổ máy phát điện và máy biến đổi điện quay; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm và Nhóm 8503; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

8513 đèn điện xách tay, được thiết kế để hoạt động bằng nguồn năng lượng riêng đi kèm (ví dụ pin khô, ắc qui, magneto), trừ thiết bị chiếu sáng thuộc Nhóm 8512; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

8519 thiết bị ghi và tái tạo âm thanh; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm và Nhóm 8522; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 40% giá xuất xưởng của sản phẩm.

8521 máy ghi hoặc tái tạo video, có hoặc không gắn bộ phận thu tín hiệu video; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm và Nhóm 8522; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

8523 đĩa, băng, các thiết bị lưu trữ bền vững, thể rắn (các thiết bị bán dẫn không mất dữ liệu khi không có nguồn điện cung cấp), “thẻ thông minh” và các phương tiện lưu giữ thông tin khác để ghi âm hoặc ghi các hiện tượng khác, đã hoặc chưa ghi, kể cả bản khuôn mẫu và bản gốc để sản xuất ghi đĩa, nhưng không bao gồm các sản phẩm của Chương 37; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

8525 thiết bị phát dùng cho phát thanh sóng vô tuyến hoặc truyền hình, có hoặc không gắn với thiết bị thu hoặc ghi hoặc tái tạo âm thanh; camera truyền hình, camera số và camera ghi hình ảnh nền; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm và Nhóm 8529; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

8526 ra đa, các thiết bị dẫn đường bằng sóng vô tuyến và các thiết bị điều khiển từ xa bằng vô tuyến; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm và Nhóm 8529; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

8527 máy thu dùng cho phát thanh sóng vô tuyến, có hoặc không kết hợp với thiết bị ghi hoặc tái tạo âm thanh hoặc với đồng hồ trong một khối; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm và Nhóm 8529; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 40% giá xuất xưởng của sản phẩm.

8528 màn hình và máy chiếu, không gắn với máy thu dùng trong truyền hình; máy thu dùng trong truyền hình, có hoặc không gắn với máy thu thanh sóng vô tuyến hoặc máy ghi hoặc tái tạo âm thanh hoặc hình ảnh; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm và Nhóm 8529; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

8535 đến 8537 thiết bị điện để đóng ngắt mạch hay bảo vệ mạch điện, hoặc dùng để đấu nối hay lắp trong mạch điện; đầu nối dùng cho sợi quang, bó sợi hoặc cáp quang; Bảng, panen, giá đỡ, bàn tủ và các loại hộp khác, dùng để điều khiển hoặc phân phối điện; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm và Nhóm 8538; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

8539 đèn điện dây tóc hoặc đèn phóng điện, kể cả đèn pha gắn kín và đèn tia cực tím hoặc tia hồng ngoại; đèn hồ quang; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Phân nhóm nào, ngoại trừ Phân nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

8544 dây, cáp điện (kể cả cáp đồng trục) cách điện (kể cả loại đã tráng men cách điện hoặc mạ lớp cách điện) và dây dẫn cách điện khác, đã hoặc chưa gắn với đầu nối; cáp sợi quang, làm bằng các bó sợi đơn có vỏ bọc riêng biệt từng sợi, có hoặc không gắn với dây dẫn điện hoặc gắn với đầu nối; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

8545 điện cực than, chổi than, carbon cho chế tạo bóng đèn, carbon cho chế tạo pin, ắc qui và các sản phẩm khác làm bằng graphit hoặc carbon khác, có hoặc không có thành phần kim loại, dùng cho kỹ thuật điện; Trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.
8546 cách điện làm bằng liệu bất kỳ; Trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.
8547 phụ kiện cách điện dùng cho máy điện, dụng cụ điện hay thiết bị điện, được làm hoàn toàn bằng liệu cách điện trừ một số phụ kiện thứ yếu bằng kim loại (ví dụ, phần ống có ren) đã làm sẵn khi đúc chủ yếu để lắp, trừ cách điện thuộc Nhóm 85.46; ống dẫn dây điện và các khớp nối của chúng, bằng kim loại cơ bản được lót lớp liệu cách điện; và Trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.
8548 phế liệu và phế thải của các loại pin, ắc qui; các loại pin và ắc qui điện đã sử dụng hết; các bộ phận điện của máy móc hay thiết bị, chưa được chi tiết hay ghi ở nơi khác trong Chương này. Trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.
Chương 86 Đầu máy xe lửa hoặc xe điện, toa xe lửa và các bộ phận của chúng; cố định và ghép nối đường ray xe lửa hoặc xe điện và bộ phận của chúng; thiết bị tín hiệu giao thông bằng cơ khí (kể cả cơ điện) các loại. Trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.
Ex Chương 87 Xe cộ trừ phương tiện chạy trên đường xe lửa hoặc xe điện, và các bộ phận và phụ kiện của chúng; ngoại trừ: Trị giá nguyên liệu không vượt quá 45% giá xuất xưởng của sản phẩm.
8711 mô tô (kể cả moped) và xe đạp có gắn động cơ phụ trợ, có hoặc không có thùng xe bên cạnh; mô tô thùng; và Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

8714 bộ phận và phụ kiện của xe thuộc các Nhóm từ 8711 đến 8713. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Ex Chương 88 Phương tiện bay, tầu vũ trụ, và các bộ phận của chúng; ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Ex 8804 dù xoay. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, bao gồm Nhóm 8804; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Chương 89 Tàu thuỷ, thuyền và các kết cấu nổi. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Ex Chương 90 Dụng cụ, thiết bị quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh, đo lường, kiểm tra độ chính xác, y tế hoặc phẫu thuật; các bộ phận và phụ kiện của chúng, ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

9001 50 thấu kính bằng liệu khác làm kính đeo mắt; và Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm;

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm; hoặc

quá trình sản xuất bao gồm một trong số các công đoạn sau:

– mài mặt thấu kính bán thành phẩm thành mắt kính hoàn thiện có khả năng hiệu chỉnh quang học để gắn vào cặp kính mắt; hoặc

– tráng phủ thấu kính để điều trị thích hợp để cải thiện thị lực và đảm bảo bảo vệ người đeo.7

9002 thấu kính, lăng kính, gương và các bộ phận quang học khác, bằng liệu bất kỳ, đã lắp ráp, là các bộ phận hoặc để lắp vào các dụng cụ hoặc thiết bị, trừ loại làm bằng thuỷ tinh chưa được gia công quang học. Trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.
Chương 91 Đồng hồ thời gian và các bộ phận của chúng. Trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.
Chương 92 Nhạc cụ; các bộ phận và phụ kiện của chúng. Trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.
Chương 93 Vũ khí và đạn; các bộ phận và phụ kiện của chúng. Trị giá nguyên liệu không vượt quá 50% giá xuất xưởng của sản phẩm.
Chương 94 Đồ nội thất; bộ đồ giường, đệm, khung đệm, nệm và các đồ dùng nhồi tương tự; đèn và bộ đèn, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác; biển hiệu được chiếu sáng, biển đề tên được chiếu sáng và các loại tương tự; nhà lắp ghép. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Ex Chương 95 Đồ chơi, thiết bị trò chơi và dụng cụ thể thao; các bộ phận và phụ kiện của chúng, ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Ex 9506 gậy chơi gôn và các thiết bị chơi gôn khác. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, có thể sử dụng các khối đã tạo hình thô để làm phần đầu của gậy chơi gôn.
Ex Chương 96 Các mặt hàng khác, ngoại trừ: Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm; hoặc

trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.

9603 chổi, bàn chải (kể cả các loại bàn chải là những bộ phận của máy, dụng cụ hoặc xe), dụng cụ cơ học vận hành bằng tay để quét sàn, không có động cơ, giẻ lau sàn và chổi bằng lông vũ; túm và búi đã làm sẵn để làm chổi hoặc bàn chải; miếng thấm và con lăn để sơn hoặc vẽ; chổi cao su (trừ con lăn bằng cao su); Trị giá nguyên liệu không vượt quá 70% giá xuất xưởng của sản phẩm.
9605 bộ đồ du lịch dùng cho vệ sinh cá nhân, bộ đồ khâu hoặc bộ đồ làm sạch giầy dép hoặc quần áo; Mỗi sản phẩm trong bộ sản phẩm phải đáp ứng quy tắc xuất xứ áp dụng cho riêng sản phẩm đó. Tuy nhiên, có thể kết hợp các sản phẩm không có xuất xứ vào bộ sản phẩm, với điều kiện tổng trị giá của các sản phẩm không có xuất xứ không vượt quá 15% giá xuất xưởng của bộ sản phẩm.
9608 bút bi; bút phớt và bút phớt có ruột khác và bút đánh dấu; bút máy, bút máy ngòi ống và các loại bút khác; bút viết giấy nhân bản (duplicating stylos); các loại bút chì bấm hoặc bút chì đẩy; quản bút mực, quản bút chì và các loại quản bút tương tự; bộ phận (kể cả nắp và kẹp bút) của các loại bút kể trên, trừ các loại thuộc Nhóm 9609; Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm. Tuy nhiên, có thể sử dụng ngòi bút và bi ngòi cùng Nhóm với sản phẩm có thể được sử dụng.
9613 20 Bật lửa bỏ túi, dùng ga, có thể nạp lại; và Trị giá nguyên liệu thuộc Nhóm 9613 không vượt quá 30% giá xuất xưởng của sản phẩm.
9614 tẩu thuốc (kể cả điếu bát) và đót xì gà hoặc đót thuốc lá, và bộ phận của chúng. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào
Chương 97 Các tác phẩm nghệ thuật, đồ sưu tầm và đồ cổ. Sản xuất từ nguyên liệu thuộc bất kỳ Nhóm nào, ngoại trừ Nhóm của sản phẩm.

____________________

1 Đối với các điều kiện đặc biệt liên quan đến “công đoạn gia công cụ thể”, xem quy định tại khoản 1 và khoản 3, Chú giải 8, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2 Đối với các điều kiện đặc biệt liên quan đến “công đoạn gia công cụ thể”, xem quy định tại khoản 2, Chú giải 8, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3 Đối với các điều kiện đặc biệt liên quan đến các sản phẩm được sản xuất từ nhiều nguyên liệu dệt may, xem quy định tại Chú giải 6, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

4 Việc sử dụng nguyên liệu này bị giới hạn trong quá trình sản xuất các loại vải dệt thoi được dùng trong máy làm giấy.

5 Xem quy định tại Chú giải 7, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

6 Đối với các sản phẩm dệt kim hoặc móc, không đàn hồi hoặc co dãn, thu được bằng cách khâu hoặc lắp ghép các phần của vải dệt kim hoặc móc (cắt ra hoặc được dệt kim trực tiếp để tạo hình), xem quy định tại Chú giải 7, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

7 Công đoạn tráng phủ sẽ cung cấp cho thấu kính các đặc tính quan trọng liên quan đến việc cải thiện thị lực (ví dụ: chống gãy vỡ hoặc trày xước, chống nhòe, chống bụi, chống sương mù hoặc có chức năng không thấm nước) và bảo vệ sức khỏe người sử dụng (ví dụ: bảo vệ khỏi ánh sáng thông qua các đồ vật từ chất liệu quang trắc, giảm tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với tia UV, hoặc bảo vệ khỏi các tác động xấu liên quan đến ánh sáng xanh mang năng lượng cao).

 

PHỤ LỤC III

NGUYÊN LIỆU THỦY SẢN ÁP DỤNG CỘNG GỘP
(ban hành kèm theo Thông tư số 02/2021/TT-BCT ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong UKVFTA)

Mã HS

Mô tả hàng hóa

030741

Mực nang và mực ống sống, tươi hoặc ướp lạnh

030751

Bạch tuộc sống, tươi hoặc ướp lạnh

 

PHỤ LỤC IV

SẢN PHẨM THỦY SẢN ÁP DỤNG CỘNG GỘP
(ban hành kèm theo Thông tư số 02/2021/TT-BCT ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong UKVFTA)

Mã HS

Mô tả hàng hóa

160554

Mực nang và mực ống đã chế biến hoặc bảo quản

160555

Bạch tuộc đã chế biến hoặc bảo quản

 

PHỤ LỤC V

SẢN PHẨM DỆT MAY ÁP DỤNG CỘNG GỘP
(ban hành kèm theo Thông tư số 02/2021/TT-BCT ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong UKVFTA)

Mã HS

Mô tả hàng hóa

Chương 61

Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc

Chương 62

Quần áo và các hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc

 

PHỤ LỤC VI

MẪU C/O MẪU EUR.1 ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU TỪ VIỆT NAM TRONG UKVFTA
(ban hành kèm theo Thông tư số 02/2021/TT-BCT ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong UKVFTA)

MOVEMENT CERTIFICATE

1. Exporter (Name, full address, country)

EUR.1 No:………………

See notes overleaf before completing this form.
2. Certificate used in preferential trade between

United Kingdom

and

Socialist Republic of Viet Nam

3. Consignee (Name, full address, country) (Optional)  
4. Country, group of countries or territory in which the products are considered as originating

 

5. Country, group of countries or territory of destination
6. Transport details (Optional) 7. Remarks

 

8. Item number; Marks and numbers; Number and kind of packages(1); Description of goods

 

 

 

____________________

(1) If goods are not packed, indicate number of articles or state “in bulk” as appropriate.

9. Gross mass (kg) or other measure (litres, m3, etc.) 10. Invoices (Optional)
11. CUSTOMS OFFICE (UK) or ISSUING AUTHORITIES (VN) ENDORSEMENT

Declaration certified

Export document(2)

Form ………………………. No ….…

Of ………………………………………….

Customs office/Issuing authority ……….

………………………………………………   Stamp

Issuing country or territory ………………

………………………………………………

Place and date …………………………

………………………………………………

(Signature)

 

 

____________________

(2) Complete only where the regulations of the exporting country or territory require.

12. DECLARATION BY THE EXPORTER

I, the undersigned, declare that the goods described above meet the conditions required for the issue of this certificate.

Place and date ……………………………………………….

…………………………………………………..

(Signature)

13. REQUEST FOR VERIFICATION, to

 

 

 

 

 

14. RESULT OF VERIFICATION
Verification carried out shows that this certificate(1)

□ was issued by the customs office (UK) or issuing authority (VN) indicated and that the information contained therein is accurate.

□ does not meet the requirements as to authenticity and accuracy (see remarks appended).

Verification of the authenticity and accuracy of this certificate is requested.  
…………………………………………….         Stamp

(Place and date)

 

……………………………………………

(Signature)

…………………………………..      Stamp

(Place and date)

…………………………………..

(Signature)

____________________

(1) Insert X in the appropriate box.

NOTES

1. Certificate shall not contain erasures or words written over one another. Any alterations must be made by deleting the incorrect particulars and adding any necessary corrections. Any such alteration must be initialled by the person who completed the certificate and endorsed by the customs office (UK) or issuing authority (VN) of the issuing country or territory.

2. No spaces shall be left between the items entered on the certificate and each item must be preceded by an item number. A horizontal line must be drawn immediately below the last item. Any unused space must be struck through in such a manner as to make any later additions impossible.

3. Goods shall be described in accordance with commercial practice and with sufficient detail to enable them to be identified.

 

PHỤ LỤC VII

MẪU LỜI VĂN KHAI BÁO XUẤT XỨ CỦA NHÀ XUẤT KHẨU
(ban hành kèm theo Thông tư số 02/2021/TT-BCT ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong UKVFTA)

Lời văn khai báo xuất xứ quy định sau đây được khai báo phù hợp với các chú thích và không cần nhắc lại các chú thích này.

Mẫu tiếng Anh

The exporter of the products covered by this document (customs authorization No …(1)) declares that, except where otherwise clearly indicated, these products are of …(2) preferential origin.

………………………………………………………………………………………. (3)

(Place and date)

……………………………………………………………………………………….. (4)

(Signature of the exporter; in addition, the name of the person signing the declaration has to be indicated in clear script)

Mẫu tiếng Việt

Người xuất khẩu hàng hoá được kê khai bằng chứng từ này (mã số tự chứng nhận xuất xứ ….1) tuyên bố rằng, trừ trường hợp có chỉ định rõ ràng, những hàng hoá này có xuất xứ ưu đãi của ….2

………………………………………………………………………………………………..3

(Thời gian, địa điểm)

……………………………………………………………………………………………..4

(Chữ ký của nhà xuất khẩu, bên cạnh đó tên của người ký khai báo xuất xứ phải được thể hiện bằng chữ in rõ ràng)

___________________

1 Khi chứng từ tự chứng nhận xuất xứ có chứa nội dung lời văn khai báo xuất xứ được phát hành bởi nhà xuất khẩu đủ điều kiện, mã số tự chứng nhận xuất xứ của nhà xuất khẩu đủ điều kiện phải được điền vào khoảng trống này. Khi chứng từ tự chứng nhận xuất xứ có chứa nội dung lời văn khai báo xuất xứ không được phát hành bởi nhà xuất khẩu đủ điều kiện, phần trong ngoặc đơn sẽ được bỏ qua hoặc để trống.

2 Nêu rõ xuất xứ của hàng hoá.

3 Thông tin này có thể bỏ qua nếu đã được thể hiện trên chính chứng từ đó.

4 Trong trường hợp nhà xuất khẩu không phải ký tên, việc miễn chữ ký cũng đồng nghĩa với miễn thể hiện tên của người ký.

 

PHỤ LỤC VIII

DANH MỤC CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC CẤP C/O MẪU EUR.1 TRONG UKVFTA
(ban hành kèm theo Thông tư số 02/2021/TT-BCT ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong UKVFTA)

STT

Tên cơ quan, tổ chức cấp C/O

Mã số

1

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội

01

2

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Tp. Hồ Chí Minh

02

3

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Đà Nẵng

03

4

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Đồng Nai

04

5

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Bình Dương

06

6

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Vũng Tàu

07

7

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Lạng Sơn

08

8

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Quảng Ninh

09

9

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Lào Cai

71

10

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Thái Bình

72

11

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Thanh Hoá

73

12

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Nghệ An

74

13

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Tiền Giang

75

14

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Cần Thơ

76

15

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hải Dương

77

16

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Bình Trị Thiên

78

17

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Khánh Hoà

80

18

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Hà Tĩnh

85

19

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Ninh Bình

86

30/12/2022

CHÍNH PHỦ – BIỂU THUẾ XUẤT KHẨU ƯU ĐÃI, BIỂU THUẾ NHẬP KHẨU ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT CỦA VIỆT NAM ĐỂ THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ LIÊN

Hiệu lực 30/12/2022

21/05/2021

CHÍNH PHỦ – BIỂU THUẾ XUẤT KHẨU ƯU ĐÃI, BIỂU THUẾ NHẬP KHẨU ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT CỦA VIỆT NAM ĐỂ THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ LIÊN

Hiệu lực 21/05/2021

TOP
error: Content is protected !!