Kính gửi: |
– Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố; |
Theo dõi việc quản lý trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Tổng cục Hải quan nhận thấy một số vướng mắc, tồn tại như: chưa phối hợp đồng bộ trong thu thập, xác minh thông tin các chi phí cấu thành trị giá; áp dụng phương pháp xác định trị giá chưa chính xác dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện đối với quyết định ấn định trị giá; chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các khâu kiểm tra trước thông quan, kiểm tra trong thông quan và kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu. Để xử lý các vướng mắc, tồn tại nêu trên, căn cứ Luật Hải quan số 54/2013/QH13, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ, Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thực hiện như sau:
1. Nguyên tắc xác định trị giá hải quan:
1.1. Việc xác định trị giá hải quan cho hàng hóa xuất khẩu phải tuân thủ nguyên tắc, phương pháp quy định tại Khoản 2 Điều 86 Luật Hải quan số 54/2013/QH13, Khoản 2 Điều 20 Nghị định số Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ, Điều 4 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 15 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/3/2018 của Bộ Tài chính. Theo đó, trị giá hải quan của hàng hóa xuất khẩu là giá bán hàng hóa đến cửa khẩu xuất khẩu trên cơ sở giá bán ghi trên hợp đồng mua bán, hoặc hóa đơn thương mại và các chi phí liên quan đến hàng hóa xuất khẩu phù hợp với các chứng từ liên quan nếu các khoản chi phí này chưa bao gồm trong giá bán của hàng hóa, không bao gồm chi phí vận tải quốc tế và chi phí bảo hiểm quốc tế (nếu có).
1.2. Cửa khẩu xuất khẩu hàng hóa được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015, được sửa đổi bổ sung tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ. Theo đó, cửa khẩu xuất khẩu đối với phương thức vận tải đường bộ là cửa khẩu biên giới nơi xuất khẩu hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc các chứng từ khác có liên quan.
2. Kiểm tra, xác định trị giá hải quan cho hàng hóa xuất khẩu trong giai đoạn thông quan:
2.1. Trong khi kiểm tra trị giá hải quan theo quy định tại Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 14 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, phải kiểm tra chi tiết việc áp dụng phương pháp xác định trị giá hải quan, các tài liệu, chứng từ chứng minh về các chi phí liên quan đến xác định trị giá hải quan của hàng hóa, trong đó tập trung kiểm tra trị giá đối với hàng hóa xuất khẩu có thuế suất thuế xuất khẩu cao, kim ngạch xuất khẩu lớn.
2.2. Công chức hải quan kiểm tra trị giá hải quan đối chiếu với các quy định tại Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 14 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính và các quy định tại Khoản 15 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC , nếu có đủ căn cứ thì bác bỏ trị giá khai báo, xác định trị giá hải quan theo nguyên tắc đã nêu tại Mục 1 và Mục 2 này.
2.3. Xác định trị giá hải quan phải căn cứ vào giá bán hàng hóa xuất khẩu ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa (hoặc hóa đơn thương mại) và các chi phí có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu tính đến cửa khẩu xuất khẩu, thể hiện trên các chứng từ hợp pháp. Trường hợp giá bán hàng hóa ghi trên hợp đồng mua bán (hoặc hóa đơn thương mại) đã bao gồm chi phí vận tải quốc tế, chi phí bảo hiểm quốc tế thì được trừ đi chi phí vận chuyển quốc tế, chi phí bảo hiểm quốc tế với điều kiện phải có đầy đủ chứng từ hợp pháp về các chi phí này (tương ứng với giá bán theo điều kiện DAF). Khi xác định trị giá hải quan của hàng xuất khẩu cần tập trung phân tích làm rõ một số điểm sau:
– Phải xem xét điều kiện giao hàng ghi trên hợp đồng thương mại để xác định rõ trách nhiệm của người xuất khẩu chi trả các chi phí đến đâu; trách nhiệm của đối tác nước ngoài chi trả các chi phí đến đâu; các chi phí phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam, các chi phí phát sinh ngoài lãnh thổ Việt nam, phù hợp với thông lệ thương mại quốc tế, được Phòng Thương mại Quốc tế ICC giải thích tại INCOTERMS.
– Giá bán hàng hóa xuất khẩu ghi trên hợp đồng được hiểu là tổng số tiền mà đối tác nước ngoài thanh toán cho hàng hóa xuất khẩu; là cơ sở để tính toán, xác định trị giá hải quan của hàng hóa xuất khẩu.
– Đối với chi phí vận tải quốc tế và chi phí bảo hiểm quốc tế (nếu có), chỉ được khấu trừ nếu điều kiện giao hàng ghi trên hợp đồng là phù hợp với thông lệ thương mại quốc tế (INCOTERMS) và doanh nghiệp xuất trình đầy đủ hợp đồng vận tải, hợp đồng bảo hiểm (hoặc hình thức tương đương hợp đồng vận tải, hợp đồng bảo hiểm), chứng từ thanh toán cho hoạt động vận tải, bảo hiểm đó; phải bảo đảm xác định đúng số tiền được khấu trừ trên cơ sở tài liệu khách quan, hợp pháp, đúng quy định.
– Trường hợp người xuất khẩu được đối tác nước ngoài thưởng do giao hàng nhanh hoặc bị phạt do giao hàng chậm thì số tiền thưởng hoặc phạt đó không liên quan đến việc xác định trị giá hải quan; không xem xét việc cộng thêm hay khấu trừ trong trị giá hải quan của hàng hóa xuất khẩu.
3. Kiểm tra, xác định trị giá hải quan cho hàng hóa xuất khẩu trong giai đoạn kiểm tra sau thông quan:
3.1. Kiểm tra tính thống nhất giữa tổng số tiền đối tác nước ngoài đã thanh toán cho hàng hóa xuất khẩu (thể hiện trên các chứng từ thanh toán qua ngân hàng, sổ phụ ngân hàng…) và kết quả hạch toán số tiền đã thu, còn phải thu về hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện dòng tiền vào (đã thu, phải thu) của doanh nghiệp lớn hơn số tiền ghi trên hợp đồng thương mại thì xác định lại trị giá hải quan trên cơ sở dòng tiền vào (đã thu, phải thu) và các chi phí liên quan đến hàng hóa xuất khẩu tính đến cửa khẩu xuất khẩu thể hiện trên các chứng từ, tài liệu hợp pháp.
3.2. Kiểm tra, đối chiếu chi phí vận chuyển, bảo hiểm quốc tế (nếu có) đã khai báo với thông tin về chi phí vận chuyển, bảo hiểm quốc tế (nếu có) thu thập được từ đơn vị cung cấp dịch vụ hoặc các bên có liên quan khác. Trường hợp thông tin khai báo khác với thông tin thu thập được thì sử dụng thông tin thu thập để xác định lại trị giá hải quan cho hàng xuất khẩu.
3.3. Trường hợp qua kiểm tra hồ sơ, sổ sách kế toán của doanh nghiệp phát hiện doanh nghiệp đã xác định và khai báo trị giá hải quan không đúng thì bác bỏ trị giá hải quan khai báo, xác định lại trị giá hải quan theo đúng nguyên tắc, phương pháp nêu tại Mục 1, 2 trên đây và Mục này.
– Lưu ý khả năng doanh nghiệp thực hiện chuyển giá hàng xuất khẩu vào chi phí vận chuyển, bảo hiểm quốc tế và các chi phí khác phát sinh sau khi hàng hóa đã được xuất khẩu. Trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá thì lập phiếu chuyển nghiệp vụ cho đơn vị quản lý rủi ro, đơn vị kiểm soát, chống buôn lậu cùng cấp để đề nghị phối hợp xác minh làm rõ. Trong phiếu chuyển nghiệp vụ phải nêu rõ dấu hiệu nghi ngờ, nội dung cần được xác minh, các bên có thể có liên quan… để đơn vị quản lý rủi ro, đơn vị kiểm soát, chống buôn lậu tiến hành thu thập thông tin, xác minh chi tiết. Sau khi nhận được phản hồi của đơn vị quản lý rủi ro, kiểm soát, chống buôn lậu và xác minh có hoạt động chuyển giá hàng xuất khẩu thì xác định lại trị giá hải quan của hàng xuất khẩu là tổng số tiền đã thu, phải thu nhưng không chấp nhận trừ khoản chi phí có chuyến giá.
4. Xác định trọng tâm, trọng điểm kiểm tra:
4.1. Trong thời gian trước mắt, yêu cầu tập trung kiểm tra trị giá các mặt hàng xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản (đá xẻ, đá khối, quặng kim loại), theo Phụ lục kèm theo công văn này. Cụ thể:
a) Đối với các tờ khai hải quan đã được thông quan (trước thời điểm ban hành công văn này), yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
a.1) Đối với các tờ khai hải quan chưa được kiểm tra sau thông quan, thực hiện rà soát, đánh giá rủi ro để lập kế hoạch và tổ chức kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan hoặc tại trụ sở doanh nghiệp theo Mục 3 trên đây.
a.2) Tổ chức rà soát bổ sung đối với các tờ khai hải quan đã được kiểm tra sau thông quan, nếu phát hiện trị giá hải quan khai báo chưa đúng nhưng chưa được xác định lại trị giá, hoặc đã được xác định lại trị giá hải quan nhưng chưa đáp ứng yêu cầu tại công văn này, thì lập kế hoạch và thực hiện thanh tra chuyên ngành tại doanh nghiệp để xác định lại trị giá hải quan theo đúng hướng dẫn tại Mục 1 và 3 trên đây.
– Hoàn thành việc kiểm tra tại Điểm a.1 trước ngày 28/2/2019, tại Điểm a.2 trước ngày 30/4/2019 và báo cáo kết quả thực hiện theo mẫu kèm theo công văn này.
b) Đối với các tờ khai hải quan chưa được thông quan (kể từ thời điểm ban hành công văn này), yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
– Rà soát kỹ các tờ khai hải quan được phân luồng xanh, đã thông quan thực hiện kiểm tra theo quy định tại Điểm a.1 trên đây; đồng thời phối hợp Cục Quản lý rủi ro để xác lập ngay tiêu chí phân luồng trên Hệ thống.
– Đối với các tờ khai hải quan được phân luồng vàng hoặc luồng đỏ, thực hiện kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan, tham vấn trị giá hải quan để bảo đảm xác định trị giá hải quan đúng theo hướng dẫn tại Mục 1 và 2 trên đây.
4.2. Yêu cầu các đơn vị cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin nghi vấn, kiểm tra, ấn định trị giá hải quan (nếu có) lên Hệ thống GTT02 theo đúng quy định.
5.1. Giao Cục Thuế xuất nhập khẩu thường xuyên theo dõi kết quả kiểm tra trị giá hải quan của hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu đường bộ để kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh công tác quản lý trị giá hải quan theo đúng quy định; tổ chức thu thập, xử lý thông tin hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu để xây dựng các danh sách hàng hóa trọng điểm rủi ro, danh sách doanh nghiệp trọng điểm rủi ro, chuyển các Cục Hải quan và đơn vị nghiệp vụ có liên quan thực hiện kiểm tra.
5.2. Giao Cục Quản lý rủi ro xác lập tiêu chí phân luồng kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan đối với các mặt hàng nêu tại Phụ lục của công văn này; tổ chức thu thập, đánh giá, xử lý thông tin, cảnh báo rủi ro đối với hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ để các Cục Hải quan và các đơn vị nghiệp vụ có liên quan thực hiện kiểm tra theo quy định.
5.3. Giao Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Quản lý rủi ro phối hợp với các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Cục Kiểm tra sau thông quan, Vụ Thanh tra – Kiểm tra để xác minh các dấu hiệu chuyển giá đối với hàng hóa xuất khẩu khi có yêu cầu; nhanh chóng phản hồi thông tin để xác định, xác định lại trị giá hải quan.
5.4. Giao Cục Kiểm tra sau thông quan, Vụ Thanh tra – Kiểm tra tổ chức thu thập, phân tích thông tin, lập kế hoạch kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành tại cơ quan hải quan, tại trụ sở doanh nghiệp xuất khẩu đối với hàng hóa thuộc Phụ lục kèm theo công văn này; phối hợp với Cục Quản lý rủi ro, Cục Điều tra chống buôn lậu xác minh các dấu hiệu chuyển giá (nếu có).
5.5. Yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố có hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ tổ chức thực hiện kiểm tra trị giá hải quan, xác định trị giá hải quan theo hướng dẫn tại công văn này.
Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị nêu trên triển khai thực hiện. Trường hợp có vướng mắc thì báo cáo về Tổng cục Hải quan (qua Cục Thuế xuất nhập khẩu) để được hướng dẫn xử lý kịp thời./.
|
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG Nguyễn Dương Thái |