BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12551/BTC-TCHQ V/v phân loại hàng hóa theo TT số49/2010/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 2010 |
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố
Ngày 12/4/2010 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 49/2010/TT-BTC về phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thông tư này đã bãi bỏ quy định về phân loại đặc thù đối với hàng hóa là thiết bị đồng bộ, toàn bộ, hàng hóa ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời, có hiệu lực áp dụng từ ngày 27/5/2010. Để thực hiện việc phân loại đối với hàng hóa là thiết bị đồng bộ, toàn bộ và hàng hóa ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời được thống nhất, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:
1. Về phân loại đối với máy móc, thiết bị thuộc các Chương 84 và 85 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi là tổ hợp, dây chuyền, đáp ứng chú giải 3, 4, 5 Phần XVI của Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam
1.1. Theo chú giải 3, 4 và 5 Phần XVI của Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam, thì “3. Trừ khi có yêu cầu cụ thể khác, các loại máy liên hợp gồm hai hoặc nhiều máy lắp ghép với nhau thành một thiết bị đồng bộ và các loại máy khác được thiết kế để thực hiện hai hay nhiều chức năng khác nhau hay bổ trợ lẫn nhau được phân loại theo bộ phận chính hoặc máy thực hiện chức năng chính” và “4. Khi một máy (kể cả tổ hợp máy) gồm các bộ phận cấu thành riêng lẻ (dù là tách biệt hoặc được liên kết với nhau bằng ống hoặc các bộ phận truyền, bằng cáp điện hoặc bằng các bộ phận khác) nhằm để cùng thực hiện một chức năng được xác định rõ, đã quy định chi tiết tại một trong các nhóm của chương 84 hoặc 85, thì toàn bộ máy đó phải được phân loại vào nhóm phù hợp với chức năng xác định đó của máy; 5. Theo mục đích của các chú giải này, khái niệm “máy” có nghĩa là bất kỳ máy, máy móc, thiết bị, bộ dụng cụ hoặc dụng cụ đã nêu ra trong các nhóm của chương 84 hoặc 85”.
Theo phần thứ hai của quy tắc 2a thì “cũng phân loại như vậy đối với hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện hoặc đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện nhưng chưa lắp ráp hoặc tháo rời”. Quy định này được hiểu là: hàng hóa hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện nhưng ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời được phân loại chung một nhóm với hàng hóa đã lắp ráp. Hàng hóa ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời thường do yêu cầu đóng gói, bảo quản hoặc vận chuyển.
Quy định trên được hiểu, những máy móc thiết bị thuộc các Chương 84 và 85 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi bao gồm cả nhập khẩu máy móc, thiết bị dạng nguyên chiếc hay dạng tháo rời do yêu cầu đóng gói, bảo quản hoặc để tiện vận chuyển, nếu thỏa mãn các nội dung nêu tại chú giải 3, 4 và 5 Phần XVI Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam thì thực hiện phân loại theo các chú giải này, không phân biệt những máy móc, thiết bị đó được nhập khẩu từ một hay nhiều nguồn, về cùng chuyến hay nhiều chuyến, làm thủ tục tại một hay nhiều cửa khẩu khác nhau, nhập khẩu dưới dạng nguyên chiếc hay tháo rời do yêu cầu đóng gói, bảo quản hoặc để tiện vận chuyển.
1.2. Để có cơ sở theo dõi và thực hiện phân loại những máy móc, thiết bị là tổ hợp hoặc dây chuyền được nhập khẩu từ một hay nhiều nguồn, về cùng chuyến hay nhiều chuyến, làm thủ tục tại một hay nhiều cửa khẩu khác nhau, nhập khẩu dưới dạng nguyên chiếc hay tháo rời do yêu cầu đóng gói, bảo quản hoặc để tiện vận chuyển, thủ tục thực hiện như sau:
1.2.1. Trách nhiệm của người khai hải quan:
1.2.1.1. Ngoài thủ tục hải quan theo quy định, người khai hải quan có trách nhiệm thông báo Danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc chương 84, 85 là tổ hợp, dây chuyền tính thuế theo máy chính với Chi cục Hải quan nơi Doanh nghiệp đóng trụ sở. Trường hợp nơi đóng trụ sở không có Chi cục Hải quan thì thông báo với Chi cục Hải quan nơi thuận tiện nhất.
1.2.1.2. Hồ sơ, tài liệu nộp khi thông báo Danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc chương 84, 85 là tổ hợp, dây chuyền:
a) Danh mục máy móc, thiết bị thuộc chương 84, 85 là tổ hợp, dây chuyền dự kiến nhập khẩu. Trong đó, nêu rõ tên, mã số theo Biểu thuế của máy móc, thiết bị, loại máy móc, thiết bị chính (nộp 02 bản chính kèm theo 01 phiếu theo dõi trừ lùi);
b) Bản thuyết minh và/hoặc sơ đồ lắp đặt thể hiện rõ hàng hóa là tổ hợp, dây chuyền;
c) Cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai chính xác, trung thực của 2 loại tài liệu trên, nộp đủ thuế theo từng máy và xử phạt vi phạm nếu việc kê khai không đúng.
1.2.2. Trách nhiệm của cơ quan hải quan:
a) Khi thông báo Danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc chương 84, 85 là tổ hợp, dây chuyền: Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp thông báo danh mục có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra nếu thỏa mãn các nội dung nêu tại chú giải 3, 4 và 5 Phần XVI thì lập sổ theo dõi, đóng dấu xác nhận vào 02 bản Danh mục hàng hóa nhập khẩu và 01 bản phiếu theo dõi trừ lùi (lưu 01 bản chính Danh mục, giao cho người nộp thuế 01 bản chính Danh mục kèm 01 bản chính phiếu theo dõi trừ lùi để xuất trình cho cơ quan hải quan nơi hàng hóa thực tế nhập khẩu để thực hiện tính thuế theo máy chính và thực hiện trừ lùi khi làm thủ tục hải quan cho hàng hóa thực tế nhập khẩu) theo quy định.
b) Khi làm thủ tục nhập khẩu: Ngoài thủ tục hải quan theo quy định, cơ quan hải quan căn cứ hồ sơ hải quan, đối chiếu với các quy định hiện hành để theo dõi trừ lùi những máy móc, thiết bị người khai hải quan đã thực tế nhập khẩu và ký xác nhận theo quy định, lưu 01 bản sao danh mục và phiếu theo dõi trừ lùi đã ghi rõ tên mặt hàng đã nhập khẩu đã tính thuế theo máy chính vào hồ sơ hải quan.
Hết lượng hàng hóa nhập khẩu ghi trên danh mục, Lãnh đạo Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục cuối cùng xác nhận lên bản chính phiếu theo dõi trừ lùi của người khai hải quan, photocopy 01 bản gửi Cục Hải quan nơi đăng ký danh mục để làm cơ sở kiểm tra sau thông quan việc sử dụng tổ hợp máy móc, thiết bị đã tính thuế theo máy chính.
c) Máy móc, thiết bị thuộc các Chương 84 và 85 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi là tổ hợp, dây chuyền thuộc các tờ khai đăng ký với cơ quan hải quan từ ngày 27/5/2010 (ngày Thông tư số49/2010/TT-BTC có hiệu lực thi hành) đến trước ngày doanh nghiệp thông báo Danh mục với cơ quan hải quan, cơ quan hải quan đã tính, thu thuế theo từng máy, nếu thỏa mãn các nội dung nêu tại chú giải 3, 4 và 5 Phần XVI của Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam, thì người khai hải quan gửi hồ sơ đến Chi cục Hải quan nơi thông báo Danh mục để Chi cục Hải quan kiểm tra hồ sơ, xác định tính đồng bộ của tổ hợp, dây chuyền đã nhập khẩu, đối chiếu với Danh mục hàng hóa nhập khẩu đã thông báo để thực hiện phân loại theo hướng dẫn tại điểm này và trừ lùi vào Phiếu trừ lùi. Trường hợp có vướng mắc, Chi cục Hải quan báo cáo Cục Hải quan để báo cáo Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Tài chính xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể.
1.2.3. Các trường hợp thực tế nhập khẩu nhưng không đúng như Danh mục nhập khẩu máy móc, thiết bị thuộc các chương 84, 85 là tổ hợp, dây chuyền đã thông báo thì người khai hải quan có trách nhiệm tự kê khai, nộp thuế theo từng máy. Trường hợp cơ quan hải quan hoặc cơ quan khác kiểm tra phát hiện, xác định thực tế hàng hóa không được lắp đặt, sử dụng như một tổ hợp, dây chuyền thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế thiếu còn bị xử phạt theo quy định.
1.3. Các trường hợp nhập khẩu máy móc, thiết bị thuộc các chương 84, 85 là tổ hợp, dây chuyền, thỏa mãn các chú giải 3, 4, 5 phần XVI nhưng người khai hải quan không muốn phân loại theo hướng dẫn tại điểm 1 công văn này thì sẽ phân loại, tính thuế theo từng máy.
1.4. Các trường hợp nhập khẩu máy móc thiết bị đồng bộ, toàn bộ trước khi Thông tư 49/2010/TT-BTC có hiệu lực thi hành và đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận máy chính, hàng hóa thực nhập đã được phân loại theo máy chính phần còn lại nhập khẩu sau khi Thông tư 49/2010/TT-BTCcó hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện phân loại theo máy chính.
2. Về phân loại hàng hóa ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời theo quy tắc 2a
2.1. Theo quy tắc 2a và ghi chú của quy tắc này tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 49/2010/TT-BTC , thì hàng hóa ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời thực hiện phân loại theo nguyên tắc:
2.1.1. Phân loại theo từng linh kiện, chi tiết rời, nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau đây:
(i) Về độ rời rạc: Các chi tiết, linh kiện phải để rời nhau, chưa có chi tiết nào được lắp ráp với chi tiết nào. Ví dụ: lốp xe đạp để rời săm, nan hoa, vành,… Các chi tiết, linh kiện rời là các chi tiết cấu thành nên sản phẩm, không bao gồm các chi tiết sách hướng dẫn, catalogue, bao bì…
(ii) Về tổng số lượng các chi tiết, linh kiện rời: có sử dụng ít nhất một chi tiết, linh kiện rời sản xuất trong nước (tự sản xuất hoặc mua của doanh nghiệp khác sản xuất trong nước để lắp ráp thành sản phẩm nguyên chiếc). Các chi tiết, linh kiện rời là các chi tiết cấu thành nên sản phẩm, không bao gồm các chi tiết sách hướng dẫn, catalogue, bao bì…
2.1.1. Phân loại theo sản phẩm nguyên chiếc nếu không đáp ứng 01 trong các tiêu chí hoặc cả 02 tiêu chí nêu tại điểm 2.1.1 trên. Cụ thể:
(i) Về độ rời rạc: Các chi tiết, linh kiện để rời nhau hoặc không để rời nhau nhưng có từ 02 linh kiện, chi tiết rời trở lên đã được lắp ráp vào với nhau thành cụm, cụm chức năng.
(ii) Về tổng số lượng các chi tiết, linh kiện rời: tổng số lượng các chi tiết, linh kiện rời để lắp ráp thành sản phẩm nguyên chiếc hoàn toàn từ nguồn nhập khẩu;
2.1.3. Trường hợp nhập khẩu bộ linh kiện đảm bảo độ rời rạc không đầy đủ như tại điểm 2.1.1 trên nhưng doanh nghiệp không lựa chọn phân loại theo nguyên tắc nêu tại điểm 2.1.1 mà lựa chọn phân loại theo mã số của sản phẩm nguyên chiếc thì phân loại theo lựa chọn của người khai Hải quan.
2.2. Để có cơ sở cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục kiểm tra việc sử dụng số linh kiện đã nhập khẩu chậm nhất vào ngày 31 tháng 03 của năm sau theo hướng dẫn tại ghi chú của quy tắc 2a, thủ tục thực hiện như sau:
2.2.1. Trách nhiệm của người khai hải quan:
Chậm nhất vào ngày 30 tháng 01 hàng năm, người khai hải quan phải báo cáo với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu (người khai hải quan được lựa chọn một Chi cục Hải quan thuận tiện nhất để làm thủ tục nhập khẩu) việc nhập khẩu và sử dụng hàng hóa nhập khẩu của năm trước theo các nội dung sau:
– Tên, số lượng linh kiện nhập khẩu; Tên, số lượng linh kiện tự sản xuất hoặc mua trong nước;
– Tên sản phẩm dự kiến lắp ráp từ linh kiện rời và định mức sử dụng linh kiện để lắp ráp sản phẩm (để lắp ráp sản phẩm cần những chi tiết gì, số lượng từng chi tiết);
– Số lượng linh kiện thực tế đã sử dụng vào sản xuất, lắp ráp sản phẩm;
– Số lượng sản phẩm đã sản xuất, lắp ráp;
– Số lượng linh kiện nhập khẩu chưa sử dụng sản xuất, lắp ráp sản phẩm (nêu rõ lượng tồn chuyển sang năm sau hoặc sử dụng vào mục đích khác; số tiền thuế chênh lệch phải nộp – nếu có).
2.2.2. Trách nhiệm của cơ quan hải quan:
Chậm nhất trong thời hạn 45 (bốn lăm) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ báo cáo do người khai hải quan gửi, cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu có trách nhiệm kiểm tra việc nhập khẩu, sử dụng hàng hóa và quyết toán việc sử dụng số linh kiện nhập khẩu đưa vào sản xuất của doanh nghiệp và thu thuế, sản phẩm đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định về báo cáo quyết toán và/hoặc sử dụng không đúng mục đích hàng hóa đã được tính thuế theo linh kiện rời.
Bộ Tài chính có ý kiến để Cục Hải quan tỉnh, thành phố niêm yết công khai hướng dẫn này tại trụ sở cơ quan hải quan và hướng dẫn người khai hải quan thực hiện thống nhất, bảo đảm vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vừa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hải quan. Trường hợp phát sinh vướng mắc phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan để được xem xét, hướng dẫn giải quyết./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG Đỗ Hoàng Anh Tuấn |