BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5486/TCHQ-TXNK V/v phân loại hàng hóa |
Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2021 |
Kính gửi: Các Cục hải quan tỉnh, thành phố.
Về việc phân loại một số mặt hàng khai báo là dầu cá, thực phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm bổ sung omega-3; thực phẩm bảo vệ sức khỏe/ thực phẩm bổ sung EPA/DHA,… Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
Căn cứ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
Căn cứ Thông tư số 17/2021/TT-BTC ngày 26/2/2021 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
Căn cứ Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;
Căn cứ Thông tư số 09/2019/TT-BTC ngày 15/02/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các phụ lục của Thông tư số 65/2017/TT- BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;
Căn cứ chú giải pháp lý chương 15, chương 21, nội dung nhóm 15.04, nhóm 15.16, nhóm 15.17, nhóm 21.06; tham khảo chú giải chi tiết HS chương 15 và chương 21, tham khảo Tuyển tập ý kiến phân loại của WCO và ý kiến của Ban thư ký Hải quan thế giới:
Một số mặt hàng khai báo là dầu cá, thực phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm bổ sung omega-3; thực phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm bổ sung EPA/DHA, … có thể được phân loại vào các nhóm khác nhau tùy thuộc thành phần, hàm lượng, mức độ chế biến, quy trình sản xuất, …
– Trường hợp mặt hàng được xác định là dầu cá đã hoặc chưa tinh chế nhưng không thay đổi về mặt hóa học, các mặt hàng thường mùi tanh đặc trưng của cá, có vị khó chịu, có màu thay đổi từ vàng đến nâu đỏ thì thuộc nhóm 15.04.
– Trường hợp mặt hàng được xác định là dầu cá đã qua hydro hóa, este hóa liên hợp, tái este hóa hoặc eledin hóa toàn bộ hoặc một phần, đã hoặc chưa tinh chế, nhưng chưa chế biến thêm thuộc nhóm 15.16.
– Trường hợp mặt hàng được xác định là dầu cá đã hoặc chưa hydro hóa nhưng đã được chế biến bằng cách nhũ hóa, nhào trộn, thay đổi kết cấu…hoặc mặt hàng được xác định là các hỗn hợp/chế phẩm ăn được của dầu cá với dầu của động vật, thực vật khác, thì thuộc nhóm 15.17.
– Trường hợp mặt hàng có bản chất là các ethyl ester (hỗn hợp ethyl ester) được sản xuất từ dầu cá bằng cách thay thế toàn bộ gốc glycerin bằng gốc ethyl thì thuộc nhóm 21.06.
Các mặt hàng nêu trên có thể chứa thêm gelatin đóng vai trò là vỏ nang và có thể bổ sung vitamin E (tocopherol) đóng vai trò là chất chống oxy hóa, với điều kiện các chất bổ sung thêm này không làm thay đổi bản chất của dầu cá và hỗn hợp dầu cá.
Yêu cầu các Cục hải quan tỉnh, thành phố căn cứ hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật, quy trình sản xuất của nhà sản xuất, thực tế hàng hóa nhập khẩu làm cơ sở phân loại hàng hóa. Trường hợp không đủ cơ sở để xác định tính chính xác việc phân loại hàng hóa của người khai hải quan thì thực hiện lấy mẫu để yêu cầu phân tích, phân loại hàng hóa..
Tổng cục Hải quan thông báo để các Cục hải quan tỉnh, thành phố, Cục Kiểm định Hải quan biết và thực hiện.
Nơi nhận: – Như trên; – P.TCT Lưu Mạnh Tưởng (để báo cáo); – P.TCT Mai Xuân Thành (để báo cáo); – PCT Đào Thu Hương (để biết); – Cục Kiểm định Hải quan (để thực hiện); – Cục Giám sát Quản lí; – Lưu: VT, TXNK-PL-D.Linh(3b). |
TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG Lê Mạnh Hùng |