BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 552/TCHQ-GSQL V/v tăng cường kiểm soát, giám sát thực hiện tiêu hủy với phế liệu tồn đọng tại cảng biển |
Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2023 |
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.
Để triển khai thực hiện việc tiêu hủy hàng hóa là phế liệu tồn đọng trong địa bàn hoạt động hải quan, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 333/TCHQ-GSQL ngày 22/01/2021, công văn số 4555/TCHQ-GSQL ngày 22/9/2021 và các văn bản liên quan hướng dẫn xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng tại cảng biển; hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch, thực hiện giám sát tiêu hủy hàng hóa phế liệu tồn đọng theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình thực hiện việc tiêu hủy tại các đơn vị và phản ánh của các phương tiện thông tin truyền thông vẫn còn một số đơn vị thực hiện quản lý, giám sát việc tiêu hủy chưa đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả. Để chấm dứt tình trạng nêu trên, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh thành phố thực hiện các nội dung sau:
1. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về xử lý hàng hóa tồn đọng trong địa bàn hải quan, Luật bảo vệ môi trường và chỉ đạo của Tổng cục Hải quan trong việc thực hiện tiêu hủy, giám sát tiêu hủy đối với phế liệu tồn đọng trong địa bàn hoạt động hải quan.
– Đối với các lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu, đơn vị hải quan quản lý phế liệu tiêu hủy thực hiện xây dựng Kế hoạch tổ chức tiêu hủy, trong đó xác định rõ danh sách chi tiết container, tên hãng tàu, đơn vị tiêu hủy, thời gian dự kiến, phương án tiêu hủy, trách nhiệm của Hội đồng xử lý tiêu hủy, Tổ giám sát tiêu hủy và các đơn vị có liên quan trong việc tổ chức tiêu hủy trước khi vận chuyển hàng hóa ra khỏi cảng để thực hiện tiêu hủy.
– Đơn vị hải quan quản lý phế liệu tồn đọng thực hiện lập Biên bản bàn giao các container phế liệu kèm niêm phong của hãng vận tải/ niêm phong hải quan đưa đi tiêu hủy cho hội đồng xử lý (tổ giám sát tiêu hủy) tại địa điểm thực hiện tiêu hủy.
– Thực hiện giám sát trực tiếp việc tiêu hủy hàng hóa hoặc giám sát bằng phương tiện kỹ thuật khác (nếu có). Để đảm bảo công tác giám sát, quản lý chặt chẽ việc tiêu hủy phế liệu theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo sức khỏe cán bộ công chức hải quan giám sát tiêu hủy phế liệu, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố căn cứ quy định của pháp luật, hướng dẫn của Tổng cục Hải quan và tình hình thực tế tại đơn vị để quyết định biện pháp giám sát trực tiếp hoặc giám sát bằng các phương tiện kỹ thuật khác như giám sát qua hệ thống camera được kết nối với cơ quan hải quan; bàn giao trách nhiệm lưu giữ các container phế liệu cho doanh nghiệp tiêu hủy để thực hiện việc tiêu hủy phế liệu theo đúng công suất đã được cấp phép cho cơ quan có thẩm quyền và đảm bảo tiến độ xử lý phế liệu tồn đọng.
– Trước khi thực hiện cắt niêm phong của hãng vận tải/ niêm phong hải quan để tiêu hủy hàng hóa, yêu cầu chụp ảnh cửa container, chụp ảnh niêm phong trước khi cắt; lập Biên bản mở container, ghi rõ số hiệu container, số niêm phong; tổ chức việc giám sát công tác tiêu hủy từ khi cắt niêm phong lấy hàng hóa ra khỏi container, đưa hàng hóa vào tiêu hủy, đến khi tiêu hủy xong toàn bộ lô hàng trong container; lập Biên bản có xác nhận của các bên liên quan; lưu hình ảnh, Biên bản vào Hồ sơ xử lý tiêu hủy.
2. Trường hợp phát hiện được các lô hàng phế liệu buộc phải tiêu hủy nhưng không được thực hiện tiêu hủy, thẩm lậu vào nội địa thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố xem xét xử lý trách nhiệm, điều chuyển khỏi vị trí công tác đối với lãnh đạo Chi cục và các công chức liên quan đến việc thực hiện thủ tục giám sát đối với việc tiêu hủy các lô hàng này. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Tổng cục Hải quan về việc để xảy ra vi phạm trong đơn vị mình quản lý.
Tổng cục Hải quan có ý kiến để các đơn vị biết, nghiêm túc thực hiện./.
Nơi nhận: – Như trên; – Bộ Tài chính (để b/c); – Lãnh đạo TCHQ (để b/c); – Lưu: VT, GSQL (3b). |
TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG Âu Anh Tuấn |