FORGOT YOUR DETAILS?

CREATE ACCOUNT

CHÍNH PHỦ

Số: 173/TTr-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2015

TỜ TRÌNH

Về việc gia nhập Công Ước Viên năm 1980 của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

 

Kính gửi: Ủy ban thường vụ Quốc hội

Căn cứ quy định tại Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc Việt Nam gia nhập Công ước Viên năm 1980 của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (sau đây gọi tắt là Công ước Viên năm 1980) với những nội dung như sau:

I.   Giới thiệu về Công ước Viên năm 1980 của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Công ước Viên năm 1980 của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có tên tiếng Anh là the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods (hay còn gọi tắt là Công ước CISG), được soạn thảo bởi Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL). Được thông qua tại Viên (Áo) ngày 11 tháng 4 năm 1980 tại Hội nghị của UNCITRAL với sự có mặt của đại diện 60 quốc gia và 8 tổ chức quốc tế, Công ước bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 1988. Mục đích của Công ước là nhằm hướng tới việc thống nhất nguồn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Hiện nay, Công ước Viên năm 1980 là một trong những công ước quốc tế về thương mại được phê chuẩn  và áp dụng rộng rãi nhất, với 83 thành viên (tính đến ngày 01 tháng 4 năm 2015) và hơn 2500 án lệ, ước tính Công ước này điều chỉnh khoảng 2/3 tổng giao dịch thương mại quốc tế.

Công ước gồm 101 điều trong bốn phần nội dung:

Phần I: Phạm vi áp dụng và các quy định chung (Điều 1 – Điều 13)

Phần này được kết cấu thành hai chương: Chương I (Phạm vi áp dụng) quy định các trường hợp áp dụng và không áp dụng Công ước; Chương II (Các quy định chung) nêu nguyên tắc áp dụng Công ước, nguyên tắc giải thích, vai trò của tập quán và sự tự do về hình thức hợp đồng.

Phần II: Giao kết hợp đồng (Điều 14 – Điều 24)

Phần này quy định chi tiết trình tự, thủ tục ký kết và thành lập hợp đồng: đề nghị giao kết hợp đồng; chào hàng (có thể rút lại trong trường hợp nhất định kể cả loại không thể hủy ngang); chấp nhận chào hàng (hoặc từ chối chấp nhận chào hàng, chấp nhận chào hàng cũng có thể bị rút lại trong trường hợp nhất định); hợp đồng được giao kết.

Phần III: Mua bán hàng hóa (Điều 25 – Điều 88)

Phần III là phần quan trọng nhất của Công ước, quy định Nghĩa vụ của người bán; Nghĩa vụ của người mua; Chuyển rủi ro và Các điều khoản chung cho nghĩa vụ của người bán và người mua.

Phần IV: Những quy định cuối cùng (Điều 89 – Điều 101)

Phần này quy định về thủ tục ký kết, phê chuẩn, gia nhập, các bảo lưu có thể thực hiện và thủ tục rút lui khỏi Công ước.

II.   Sự cần thiết gia nhập Công ước Viên năm 1980

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, việc tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương về thương mại là rất cần thiết đối với Việt Nam nhằm hài hòa hóa hệ thống pháp luật quốc gia và thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển. Năm 2006, trong khuôn khổ Dự án “Nâng cấp hệ thống pháp lý thương mại đa phương của Việt Nam”, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) đã phối hợp với Ủy ban Châu Âu (EC) và Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) tiến hành nghiên cứu về vai trò và tác động đến thương mại của một số điều ước đa phương thường được sử dụng trong thương mại quốc tế. Kết quả nghiên cứu chỉ ra Công ước Viên năm 1980 là một trong số các điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất mà Việt Nam được khuyến nghị nên sớm gia nhập.

Bên cạnh đó, năm 2010, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với tư cách là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã đề xuất Việt Nam sớm gia nhập Công ước Viên năm 1980 nhằm tăng cường mức độ và hiệu quả hội nhập, tối đa hóa lợi ích mà quá trình hội nhập mang lại cho doanh nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2011, Bộ Công Thương đã tiến hành nghiên cứu toàn diện về việc gia nhập Công ước Viên năm 1980, bao gồm: nội dung Công ước và thực tiễn áp dụng; so sánh những điểm tương đồng và khác biệt của Công ước với các quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng tiến hành điều tra và tổ chức các hội thảo lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp, luật sư, trọng tài, chuyên gia và đại diện Hiệp hội ngành hàng về việc Việt Nam có nên gia nhập Công ước hay không. Kết quả điều tra, tham vấn cho thấy có đến hơn 70% doanh nghiệp và hơn 90% luật sư và chuyên gia kiến nghị Việt Nam nên sớm gia nhập Công ước.

Ngày 29 tháng 10 năm 2014, Lãnh đạo các cơ quan: Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Ngoại Thương đã cùng ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Việt Nam cần sớm gia nhập Công ước Viên năm 1980.

Như vậy, có thể thấy rằng, gia nhập Công ước Viên năm 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có ý nghĩa quan trọng cả về mặt pháp lý cũng như về mặt thực tiễn. Việc tham gia Công ước không chỉ góp phần hiện thực hóa chủ trương hội nhập quốc tế một cách tích cực, chủ động và toàn diện của Đảng và Nhà nước, đáp  ứng yêu cầu phát triển nội tại của quan hệ kinh tế, thương mại có yếu tố nước ngoài mà còn nâng cao vai trò của Việt Nam trong hoạt động hài hòa hóa pháp luật trong  lĩnh vực tư pháp quốc tế. Đồng thời, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp mong muốn có thêm một công cụ pháp lý hữu hiệu nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam trong các giao dịch thương mại với đối tác nước ngoài cũng sẽ được đáp ứng thông qua việc gia nhập Công ước này.

III.   Các quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước

Công ước không có quy định về điều kiện gia nhập đối với các quốc gia không tham gia ký kết như Việt Nam (Khoản 3 Điều 91 Công ước: Công ước này sẽ nhận sự gia nhập tất cả các quốc gia không ký tên, kể từ ngày Công ước để ngỏ cho các bên ký kết). Công ước sẽ bắt đầu có hiệu lực đối với quốc gia gia nhập sau khi hết 12 tháng kể từ ngày văn bản gia nhập được đệ trình (Khoản 2 Điều 99 Công ước). Sau khi trở thành thành viên Công ước, các cơ quan xét xử trong nước phải áp dụng Công ước thay cho pháp luật trong nước hoặc pháp luật nước ngoài trong các trường hợp thuộc phạm vi áp dụng của Công ước.

Các quốc gia thành viên không có nghĩa vụ đóng góp về tài chính, không phải thành lập một cơ quan riêng để thực thi Công ước, cũng không có bất kỳ nghĩa vụ báo cáo định kỳ nào. Thủ tục để một quốc gia gia nhập Công ước khá đơn giản, không phải qua quá trình phê duyệt, phê chuẩn. Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia muốn gia nhập Công ước chỉ cần đệ trình văn bản gia nhập và đưa ra các tuyên bố bảo lưu (nếu có).

Mặc dù không có đòi hỏi bắt buộc nào về thủ tục sau gia nhập, theo khuyến nghị của UNCITRAL, các cơ quan áp dụng pháp luật tại các quốc gia thành viên nên có một hệ thống báo cáo các vụ kiện liên quan đến Công ước Viên năm 1980. Hệ thống này sẽ tập hợp và báo cáo các vụ kiện có liên quan đến Công ước cho Ban thư ký của UNCITRAL để cơ quan này đưa lên hệ thống cơ sở dữ liệu “CLOUT” (Case Law on UNCITRAL Texts). Đây là khuyến nghị, không phải là “nghĩa vụ” của quốc gia thành viên Công ước. Tuy nhiên, đây là việc nên làm vì công khai hóa các phán quyết/quyết định của tòa án/trọng tài của Việt Nam liên quan đến Công ước sẽ góp phần làm tăng sự tin tưởng của cộng đồng kinh doanh quốc tế vào sự minh bạch của hệ thống pháp luật Việt Nam về thương mại quốc tế.

IV.  Đánh giá tác động của Công ước trong trường hợp Việt Nam gia nhập

Về cơ bản, việc gia nhập Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế sẽ đem lại cho Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp của nước ta những lợi ích đáng kể, bao gồm cả các lợi ích kinh tế (đứng từ góc độ doanh nghiệp) và lợi ích về pháp lý (đứng từ góc độ của hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật).

1.  Lợi ích đối với hệ thống pháp luật Việt Nam

Thứ nhất, việc gia nhập Công ước Viên năm 1980 sẽ giúp thống nhất pháp luật về mua bán hàng hóa quốc tế của Việt Nam với nhiều quốc gia trên thế giới.

Với tính chất là một văn bản thống nhất luật, Công ước Viên năm 1980 đã  thống nhất hoá được nhiều mâu thuẫn giữa các hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các xung đột pháp luật trong thương mại quốc tế và thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển. Vì vậy, khi Việt Nam gia nhập CISG, Việt Nam cũng sẽ được hưởng những lợi ích do văn bản thống nhất luật này mang lại, đó là giảm bớt xung đột pháp luật trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, tạo khung pháp luật thống nhất, hiện đại trong lĩnh vực mua bán hàng hóa, một lĩnh vực vẫn luôn chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại quốc tế của Việt Nam.

Những lợi ích này càng được nhấn mạnh khi hầu hết các cường quốc thương mại trên thế giới đều đã gia nhập Công ước Viên, trong đó có rất nhiều quốc gia là bạn hàng lớn và lâu dài của Việt Nam như các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Ốt-x-trây-li-a, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinh-ga-po… Các công ty, doanh nghiệp của những nước này đã áp dụng và đã quen áp dụng Công ước Viên cho các hợp đồng mua bán hàng hoá ký với các đối tác nước ngoài và họ sẽ yên tâm hơn về nguồn luật áp dụng đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa ký với các đối tác Việt Nam sau khi Việt Nam gia nhập Công ước này.

Thứ hai, việc gia nhập Công ước Viên năm 1980 sẽ đánh dấu một mốc mới trong quá trình tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương về thương mại, tăng cường mức độ hội nhập của Việt Nam.

Trên thực tế, mức độ tham gia của Việt Nam vào các điều ước quốc tế đa phương quan trọng có ảnh hưởng đến thương mại đang ở mức thấp, dưới mức trung bình của khu vực và trên toàn thế giới1. Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng đã đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần gia nhập Công ước Viên năm 1980 trong thời gian sớm nhất, vì đây là một trong những công ước quốc tế đa phương có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với nền thương mại toàn cầu. Gia nhập Công ước Viên năm 1980 sẽ giúp tăng cường mức độ của Việt Nam tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương về thương mại, từ đó cũng tăng cường mức độ hội nhập của Việt Nam.

Các quốc gia ASEAN, tại Diễn đàn Pháp luật ASEAN lần thứ ba2 đã khuyến nghị các quốc gia gia nhập Công ước Viên năm 1980 nhằm hài hòa hóa pháp luật về mua bán hàng hóa trong khuôn khổ ASEAN. Việc Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác gia nhập Công ước này cũng sẽ giúp hài hòa hóa pháp luật về mua bán hàng hóa trong khuôn khổ ASEAN hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng Kinh tế ASEAN như đã hoạch định trong Hiến chương ASEAN.

Thứ ba, việc gia nhập Công ước Viên năm 1980 giúp hoàn thiện pháp luật về mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng và pháp luật về mua bán hàng hóa nói chung của Việt Nam.

Việc Việt Nam gia nhập Công ước Viên năm 1980 sẽ giúp khắc phục một số hạn chế trong quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là quy định về di chuyển rủi ro. Pháp luật Việt Nam quy định theo hướng chuyển quyền sở hữu hàng hóa, trong khi tập quán, pháp luật quốc tế coi trọng việc di chuyển rủi ro hơn.

Thứ tư, gia nhập Công ước Viên năm 1980 cũng sẽ là điều kiện để việc giải quyết tranh chấp, nếu có, từ các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thuận lợi hơn

Khi Việt Nam là thành viên Công ước, việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoặc có liên quan đến nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế bởi Tòa án hoặc trọng tài tại Việt Nam trở nên thống nhất và dễ dàng hơn với nguồn luật áp dụng là Công ước. Việc giải thích và áp dụng Công ước dễ dàng hơn rất nhiều so với việc viện dẫn đến một hệ thống luật quốc gia, bởi việc diễn giải Công ước có thể sử dụng các nguồn tham khảo phong phú và rất hữu ích, các Bình luận Chính thức của Ban Tư vấn CISG,3 các án lệ của Công ước đăng tải trên hệ thống dữ liệu của UNCITRAL, cũng như hàng ngàn bài viết của các học giả được đăng tải trên trang web chuyên về Công ước (PACE).

2.   Lợi ích đối với doanh nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, khi Việt Nam gia nhập Công ước Viên năm 1980, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiết kiệm được chi phí và hạn chế các tranh chấp trong việc lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng

Khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước Viên năm 1980, các thương nhân Việt Nam và các đối tác của họ tại 83 quốc gia thành viên Công ước sẽ có một khung pháp lý thống nhất, được áp dụng một cách tự động cho hợp đồng của mình. Như vậy, các công ty, doanh nghiệp Việt Nam khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế sẽ tránh được một vấn đề luôn gây tranh cãi và khó khăn trong đàm phán, đó là vấn đề lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng. Tránh được vấn đề này, các công ty, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những lợi ích sau đây:

  • Giảm bớt chi phí và thời gian đàm phán để thống nhất lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng bởi dù các bên trong hợp đồng không thỏa thuận gì về luật áp dụng thì Công ước Viên năm 1980 vẫn được tự động áp dụng cho hợp đồng mua bán giữa các bên. Đây là lợi ích lớn nhất khi các bên đã có một nguồn luật thống nhất để áp dụng.
  • Giảm bớt các khó khăn và chi phí có thể phát sinh do luật được lựa chọn để áp dụng cho hợp đồng là luật nước ngoài.
  • Tránh được việc phải sử dụng đến quy phạm xung đột trong tư pháp quốc tế để xác định luật áp dụng cho hợp đồng. Đáng lưu ý là Công ước chỉ áp dụng nếu các bên trong hợp đồng không có thỏa thuận khác. Vì vậy, quyền tự do lựa chọn luật áp dụng của các bên vẫn “toàn vẹn” và Công ước không áp đặt hay làm ảnh hưởng đến quyền tự quyết trong lựa chọn luật áp dụng của các bên.

Những lợi ích nói trên có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia vào các hoạt động kinh doanh quốc tế. Những doanh nghiệp này ít có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tư vấn pháp lý cũng như có ít thế và lực trong vấn đề đàm phán lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng, vì thế thường gặp nhiều rủi ro pháp lý liên quan đến vấn đề này.

Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện áp dụng một nguồn luật cơ bản, đáng tin cậy, thống nhất thay vì phải áp dụng luật quốc gia của nước đối tác

Công ước Viên năm 1980 điều chỉnh hầu hết mọi vấn đề pháp lý cơ bản có thể phát sinh trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế như: giá trị pháp lý, thời hạn hiệu lực của chào hàng, của chấp nhận chào hàng; quyền và nghĩa vụ của người bán, người mua; các biện pháp mà một bên có được khi bên kia vi phạm hợp đồng…

Do đó, việc giao kết hợp đồng trên cơ sở luật chung là Công ước Viên sẽ tạo thuận lợi cho việc đánh giá các lựa chọn, chào giá khác nhau trên thị trường về rủi ro, độ chặt và nghĩa vụ trong hợp đồng. Điều này làm tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, mang lại lợi ích về mặt kinh tế không nhỏ. Ngoài ra, các điều khoản của Công ước Viên năm 1980 còn tạo được sự bình đẳng về nội dung giữa người mua và người bán trong quan hệ hợp đồng4, giúp các bên bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Vì thế, dù là bên bán hay bên mua, Công ước này đều trở thành một khung pháp lý hữu hiệu và an toàn để giải quyết các tranh chấp phát sinh (nếu có).

Thứ ba, việc áp dụng Công ước Viên năm 1980 sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh được những tranh chấp phát sinh trong kinh doanh quốc tế

Việt Nam đang trên con đường hội nhập một cách chủ động và tích cực vào nền kinh tế thế giới, đẩy mạnh các hoạt động thương mại quốc tế, trong đó thương mại hàng hóa vẫn là hoạt động sôi động nhất. Khi gia nhập Công ước Viên năm 1980, Việt Nam sẽ thống nhất nguồn luật áp dụng trong mua bán hàng hóa quốc tế với các nước đối tác khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Khi đó, các thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài sẽ cùng chung “tiếng nói”, cùng chung một cơ sở pháp lý và các mối quan hệ mua bán hàng hóa sẽ chặt chẽ và rộng mở hơn nữa, tránh được tranh chấp phát sinh.

3.    Một số khó khăn, thách thức khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước

Một trong những khó khăn khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước Viên năm 1980 là sự nhận thức của các doanh nghiệp trong nước đối với nội dung Công ước còn hạn chế. Trong trường hợp hợp đồng không nêu rõ nguồn luật, nếu các bên đều thuộc quốc gia thành viên Công ước thì Công ước sẽ tự động được áp dụng. Trong trường hợp này khó khăn có thể xảy ra cho doanh nghiệp Việt Nam không nhận thức được nội dung Công ước. Khó khăn này có thể khắc phục được thông qua công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp  về nội dung Công ước.

V.   Đánh giá việc tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005

Việc gia nhập Công ước phù hợp và tuân thủ các nguyên tắc tại Điều 3 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005.

VI.   Đánh giá sự phù hợp về nội dung của Công ước với quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế cùng lĩnh vực mà Việt Nam là thành viên

1.Đánh giá sự phù hợp về nội dung Công ước với quy định của pháp luật Việt Nam

Các quy định của Công ước về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam về hợp đồng nói chung. Nội dung của Công ước Viên năm 1980 tương thích về cơ bản với các quy định của pháp luật Việt Nam. Một số quy định của Công ước còn khác biệt, hoặc chi tiết hơn, hoặc chưa có quy định tương ứng trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, các quy định đó hoặc có thể bảo lưu khi Việt Nam gia nhập Công ước, hoặc không có sự mâu thuẫn cơ bản giữa hai hệ thống luật nên có thể khẳng định khi gia nhập, Việt Nam không phải sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương đã có nghiên cứu cụ thể tại “Phần III. So sánh nội dung Công ước Viên năm 1980 và pháp luật hợp đồng của Việt Nam” trong Báo cáo nghiên cứu khả năng Việt Nam gia nhập Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trình Chính phủ theo công văn số 12694/TTr-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012. Những nội dung khác biệt, chưa có quy định hoặc quy định chi tiết hơn của Công ước Viên so với luật pháp trong nước bao gồm:

a) Về các nội dung khác với pháp luật Việt Nam

  • Về hiệu lực của hợp đồng và thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa:

Công ước Viên năm 1980 không điều chỉnh tính hiệu lực của hợp đồng và hệ quả của hợp đồng đối với quyền sở hữu hàng hóa mà chỉ giới hạn ở việc giao kết hợp đồng mua bán, quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng của các bên (tại Điều 4 Công ước). Trong khi đó, Bộ Luật Dân sự (Điều 122) và Luật Thương mại (Điều 62) lại có quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa và hiệu lực của hợp đồng.

  • Về hình thức của hợp đồng:

Theo Điều 11 của Công ước, hợp đồng không nhất thiết phải thể hiện bằng hình thức văn bản hay tuân thủ yêu cầu nào khác về hình thức của hợp đồng. Hợp đồng có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả bằng lời khai của nhân chứng. Bên cạnh đó, Điều 13 Công ước chấp nhận điện báo (telegram) và telex như là các hình thức văn bản trong pháp luật về hợp đồng. Cũng về hình thức của hợp đồng, khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại quy định mua bán hàng hóa quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức có giá trị pháp lý tương đương.

  • Về hiệu lực của chào hàng:

Điều 16 Công ước quy định chào hàng có thể bị hủy ngang với điều kiện thông báo hủy bỏ được gửi tới người được chào hàng trước khi người này gửi chấp nhận  chào hàng. Công ước cũng quy định hai ngoại lệ để chào hàng không thể bị hủy ngang tại khoản 2 Điều 16 là: (i) khi chào hàng quy định rõ là không thể hủy ngang và (ii) bên chào hàng có cơ sở hợp lý để tin là chào hàng không bị hủy ngang và đã hành động theo chiều hướng đó.

Điều 393 Bộ Luật Dân sự có nội dung khá tương đồng với Công ước, tuy nhiên lại đi theo cách tiếp cận quy định: về nguyên tắc, đề nghị giao kết hợp đồng không thể bị hủy ngang trừ khi quyền hủy ngang được quy định trước trong đề nghị, và bên đề nghị phải thông báo hủy trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

  • Về các chế tài trong trường hợp vi phạm hợp đồng:

Các Điều 45-52 Công ước liệt kê các chế tài riêng đối với người mua và người bán trong trường hợp vi phạm hợp đồng, trong khi Luật Thương mại lại quy định chung các chế tài đối với bên vi phạm tại các Điều từ 292-316. Bên cạnh đó, trong số các chế tài quy định tại Điều 292 Luật Thương mại, chế tài phạt vi phạm không được điều chỉnh tại Công ước.

b) Về các nội dung mà pháp luật Việt Nam chưa quy định hoặc Công ước có quy định chi tiết hơn văn bản pháp luật trong nước

  • Về giao kết hợp đồng:

Thứ nhất, Công ước Viên quy định cụ thể hơn luật pháp trong nước về đề nghị giao kết hợp đồng. Cụ thể, Điều 14 Công ước định nghĩa một đề nghị giao kết hợp đồng hình thành một chào hàng khi nó được gửi đến một hay nhiều người xác định, thể hiện ý chí của người chào hàng muốn ràng buộc mình trong trường hợp chào hàng được chấp nhận, và nêu rõ hàng hóa, ấn định hoặc quy định cách xác định số lượng và giá cả. Trong khi đó, với cách tiếp cận tương tự, khoản 1 Điều 390 Bộ Luật Dân sự chỉ quy định đề nghị giao kết hợp đồng phải thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể.

Thứ hai, pháp luật Việt Nam không phân biệt giữa một chào hàng và một lời mời đưa ra chào hàng như tại Điều 14 Công ước Viên, theo đó đề nghị không gửi cho những đối tượng xác định thì chỉ được coi là lời mời đưa ra chào hàng chứ chưa coi là chào hàng.

Thứ ba, Điều 19 Công ước ghi nhận trường hợp trả lời chấp nhận chào hàng có kèm theo những nội dung sửa đổi đề nghị chào hàng ban đầu sẽ cấu thành một chào hàng mới, trừ khi những sửa đổi không làm biến đổi một cách cơ bản nội dung chào hàng ban đầu. Điều 395 Bộ Luật Dân sự cũng có quy định tương tự, tuy nhiên không có quy định cụ thể về các yếu tố sửa đổi làm thay đổi cơ bản nội dung chào hàng như trong quy định tại Công ước như các điều kiện về giá cả, thanh toán, chất lượng hàng hóa, số lượng hàng hóa, địa điểm và thời gian giao hàng, phạm vi trách nhiệm của mỗi bên, giải quyết tranh chấp…

  • Về miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm

Điều 79 Công ước và Điều 306 Luật Thương mại quy định hai trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng bao gồm sự kiện bất khả kháng và hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia. Tuy nhiên, Công ước còn quy định thêm trường hợp miễn trách do lỗi của bên thứ ba là bên đã cam kết thực hiện toàn bộ hoặc một phần hợp đồng.

c) Nhận xét

Có thể nói, trong số các nội dung của Công ước còn khác biệt, chưa có quy định, hoặc quy định chi tiết hơn so với pháp luật trong nước đã nêu ở trên, chỉ có nội dung liên quan tới hình thức của hợp đồng là có mâu thuẫn đáng kể với luật pháp trong nước của ta. Tuy nhiên, Điều 12 và Điều 96 của Công ước Viên cho phép các nước thành viên có quyền tuyên bố bảo lưu đối với nội dung về hình thức hợp đồng. Do đó, nếu quyết định gia nhập, Việt Nam có thể tuyên bố bảo lưu nội dung này để đảm bảo sự tương thích với pháp luật trong nước.

Cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, Công ước Viên năm 1980 chỉ áp dụng đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, không áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước, do đó về nguyên tắc ta cũng không cần phải điều chỉnh pháp luật trong nước cho hoàn toàn phù hợp với nội dung Công ước. Vì lý do này, ngoài nội dung về hình thức hợp đồng mà Việt Nam có thể tuyên bố bảo lưu trong trường hợp gia nhập, các nội dung khác biệt, chưa có quy định hoặc quy định chi tiết hơn so với pháp luật trong nước của Công ước sẽ không gây khó khăn cho Việt Nam trong quá trình áp dụng Công ước sau này.

2.   Đánh giá sự phù hợp về nội dung Công ước với quy định của các điều ước quốc tế cùng lĩnh vực mà Việt Nam là thành viên

Trong trường hợp gia nhập, Công ước Viên năm 1980 sẽ là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên trong lĩnh vực hợp đồng mà Việt Nam tham gia. Việc gia nhập một điều ước quốc tế quan trọng và phổ cập như Công ước Viên năm 1980 sẽ mở đầu cho quá trình tham gia ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào các điều ước đa phương khác thường được sử dụng trong thương mại quốc tế.

VII.   Kiến nghị về việc bảo lưu, áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần Công ước Viên năm 1980

Công ước Viên năm 1980 cho phép các nước được đưa ra bảo lưu theo Điều 92 (bảo lưu phần thứ hai hay phần thứ ba của Công ước), bảo lưu theo Điều 93 (bảo lưu chỉ áp dụng Công ước trên một số phần lãnh thổ của quốc gia thành viên), bảo lưu theo Điều 95 (bảo lưu không áp dụng Điều 1.1 Công ước), bảo lưu theo Điều 96 (bảo  lưu về hình thức của hợp đồng). Trong trường hợp gia nhập Công ước, Việt Nam nên thực hiện bảo lưu về hình thức của hợp đồng theo Điều 96 Công ước do pháp luật Việt Nam quy định một số trường hợp cụ thể phải thực hiện hình thức hợp đồng bằng văn bản. Điều này cũng nhằm ngăn ngừa các rủi ro và tranh chấp phát sinh trong thương mại quốc tế do sự thiếu minh bạch trong ký kết và thực hiện hợp đồng. Nếu thực hiện bảo lưu này thì khi Công ước có hiệu lực thi hành, Việt Nam sẽ không phải thực hiện quy định của Công ước về hình thức hợp đồng. Theo quy định của Công ước, Việt Nam sẽ thực hiện bảo lưu dưới hình thức tuyên bố bảo lưu được nộp cho Tổng thư ký Liên hợp quốc cùng với các văn kiện gia nhập khác (hình thức mẫu của tuyên bố bảo lưu theo hướng dẫn của UNCITRAL được gửi kèm theo Tờ trình).

Sau khi gia nhập, Công ước có thể được áp dụng trực tiếp và toàn bộ (trừ phần bảo lưu) mà không cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

VIII.   Thẩm quyền quyết định gia nhập Công ước

Căn cứ quy định tại các Điều 7 và Điều 50 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 và nội dung của Công ước, Chủ tịch nước quyết định gia nhập Công ước này nhân danh Nhà nước.

Theo quy định của Công ước, Việt Nam đệ trình văn kiện gia nhập cùng với tuyên bố bảo lưu (nếu có) cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc. Hình thức mẫu của văn kiện gia nhập và tuyên bố bảo lưu theo hướng dẫn của UNCITRAL được gửi kèm theo Tờ trình. Công ước sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày nộp văn kiện gia nhập.

IX.   Dự kiến kế hoạch triển khai

1.Trình tự, thủ tục gia nhập Công ước:

Theo quy định của Công ước và Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Việt Nam cần tiến hành các bước sau đây để gia nhập Công ước:

  • Chủ tịch nước ký văn kiện gia nhập Công ước Viên năm 1980 và tuyên bố bảo lưu của Việt Nam;
  • Chính phủ đệ trình văn kiện gia nhập và tuyên bố bảo lưu của Việt Nam lên Tổng thư ký Liên hợp quốc;
  • Sau 12 tháng kể từ ngày nộp văn kiện gia nhập, Công ước sẽ có hiệu lực đối với Việt

2. Kế hoạch thực thi Công ước:

Về mặt dài hạn, khi Việt Nam gia nhập Công ước Viên, việc tuyên truyền, phổ biến về nội dung Công ước là cần thiết để Công ước thực sự phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích thực tế cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Cụ thể, những hoạt động tuyên truyền, phố biến về Công ước và chuẩn bị triển khai việc thực thi Công ước tại các cơ quan áp dụng pháp luật sau đây cần được thực hiện:

  • Bổ sung nội dung Công ước trong các chương trình giảng dạy về hợp đồng ở các trường đại học;
  • Tổ chức một số hội thảo quốc tế chuyên sâu về Công ước;
  • Tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho các thẩm phán, trọng tài viên, các luật sư, giảng viên giảng dạy về luật thương mại, về thương mại quốc tế tại các trường đại học luật và kinh tế tại Việt Nam;
  • Tổ chức các khóa đào tạo, phổ biến kiến thức cho các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, các hiệp hội doanh nghiệp;
  • Tổ chức viết và xuất bản các sách giới thiệu về Công ước Viên năm 1980, bình luận các điều khoản của Công ước, hướng dẫn áp dụng Công ước Viên năm 1980, sách về các vụ kiện liên quan đến Công ước.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về Công ước và hướng dẫn triển khai thực thi Công ước này.

X.   Ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan

Theo quy định tại Điều 49 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến kiểm tra bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với đề xuất gia nhập Công ước Viên năm 1980.

Các cơ quan này đều nhất trí với chủ trương Việt Nam gia nhập Công ước với một số lưu ý một số điểm như sau:

  • Tại công văn số 1220/BNG-LPQT ngày 16 tháng 4 năm 2014, Bộ Ngoại giao đề nghị Việt Nam gia nhập Công ước với danh nghĩa Nhà nước và thẩm quyền quyết định việc gia nhập Công ước thuộc về Chủ tịch nước theo quy định tại khoản 2, Điều 50 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005. Bộ Công Thương đã tiếp thu ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao và trình bày cụ thể tại mục VIII “Thẩm quyền quyết định gia nhập Công ước” và mục XI “Kiến nghị” của Tờ trình này.
  • Tại công văn số 115/BTP-LPQT ngày 17 tháng 6 năm 2014, Bộ Tư pháp có ý kiến Công ước Viên năm 1980 không trái với Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại nhưng lại có một số quy định chưa được quy định hoặc quy định chi tiết hơn Bộ Luật Dân sự và Luật Thương mại. Do đó, Bộ Tư pháp cho rằng cơ quan đề xuất cần trình Chính phủ xem xét trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc gia nhập Công ước theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm Bộ Công Thương đã tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình bày cụ thể tại mục VI “Đánh giá sự phù hợp về nội dung của Công ước với quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế cùng lĩnh vực mà Việt Nam là thành viên” và mục XI “Kiến nghị” của Tờ trình này.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã lấy ý kiến và nhận được ý kiến ủng hộ Việt Nam tham gia Công ước của tất cả các cơ quan liên quan, bao gồm: Bộ Giao thông  vận tải, Tòa án nhân dân tối cao, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam gia nhập Công ước Viên năm 1980 cũng được sự quan tâm và ủng hộ từ các trường đại học đào tạo về luật quốc tế trong nước. Ngày 29 tháng 10 năm 2014, cùng với lãnh đạo Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, lãnh đạo các trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Ngoại Thương đã cùng ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Việt Nam cần sớm gia nhập Công ước Viên năm 1980.

XI.   Kiến nghị

Căn cứ quy định tại Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Chính phủ kính báo cáo và kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội:

  1. Đồng ý việc Việt Nam gia nhập Công ước Viên năm 1980 của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
  2. Thực hiện việc bảo lưu về hình thức của hợp đồng theo quy định tại Điều 96 Công ước Viên năm
  3. Đồng ý để Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định gia nhập Công ước Viên năm
  4. Đồng ý để Chính phủ giao Bộ Công Thương: (i) chủ trì việc gia nhập Công ước Viên năm 1980 và đệ trình văn kiện gia nhập cùng với tuyên bố bảo lưu của Việt Nam theo Điều 96 Công ước lên Tổng thư ký Liên hợp quốc; (ii) xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường nhận thức của cộng đồng về Công ước Viên năm 1980 và các hoạt động cần thiết nhằm đảm bảo việc gia nhập có hiệu quả.

Kính trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.

Nơi nhận:

–  Như trên;

–  Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

–  Ủy ban đối ngoại, Hội đồng dân tộc, Ủy ban kinh tế của Quốc hội;

–  Văn phòng Quốc hội;

–  Văn phòng Chủ tịch nước;

–  Văn phòng Chính phủ;

–  Các Bộ: Công Thương, Tư pháp, Ngoại giao;

–  Lưu: VT, QHQT.

TM. CHÍNH PHỦ TUQ. THỦ TƯỚNG

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Vũ Huy Hoàng

 

11/04/1980

CÔNG ƯỚC VIÊN VỀ MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ NĂM 1980 (CISG)

Hiệu lực 01/01/2017

TOP
error: Content is protected !!